Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 14/2024/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có (gọi tắt là nợ) của tổ chức tài chính vi mô.
Thông tư này quy định về việc phân loại đối với các tài sản có (gọi tắt là nợ) phát sinh từ các hoạt động sau của tổ chức tài chính vi mô: Cho vay; ủy thác cho vay; gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán) tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm: Chương trình Thương hiệu tín nhiệm hàng đầu Châu Á – Asia Top Brand Awards 2024
Nguyên tắc phân loại nợ
Theo Thông tư quy định, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tài chính vi mô phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. Đối với khách hàng có từ 02 khoản nợ trở lên tại tổ chức tài chính vi mô mà có bất cứ một khoản nợ nào bị phân loại vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn các khoản nợ khác, tổ chức tài chính vi mô phải phân loại lại các khoản nợ còn lại của khách hàng vào nhóm có mức độ rủi ro cao nhất.
Đối với khoản ủy thác cho vay mà bên nhận ủy thác chưa giải ngân hết số tiền đã ủy thác theo hợp đồng ủy thác, tổ chức tài chính vi mô ủy thác phải phân loại số tiền đã ủy thác nhưng chưa giải ngân như là một khoản cho vay đối với bên nhận ủy thác. Thời gian quá hạn được xác định từ thời điểm bên nhận ủy thác không giải ngân đúng theo thời hạn giải ngân quy định tại hợp đồng ủy thác.
>>> Xem thêm: Thương hiệu nổi tiếng Châu Á – Thái Bình Dương 2024
Phân loại nợ
Tổ chức tài chính vi mô thực hiện phân loại nợ theo 5 nhóm như sau:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ trong hạn; các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày.
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến dưới 30 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận.
Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ mất vốn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày đến dưới 180 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 180 ngày trở lên; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn.
Tổ chức tài chính vi mô phải báo cáo kết quả phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/8/2024.
Nguồn: Báo chính phủ
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!