Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2024/TT-NHNN quy định về việc xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng.
>>> Xem thêm: Lễ công bố Sao Vàng Doanh nhân Đất Việt 2024
Thông tư này quy định về việc tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng (lộ trình tuân thủ), bao gồm các trường hợp sau đây:
Tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Công ty con của tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Công ty con của tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc thực hiện lộ trình tuân thủ quy định tại khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng theo phương án chuyển giao bắt buộc.
Thời điểm chốt số liệu để xác định các danh sách nhằm xây dựng lộ trình tuân thủ
Thông tư quy định, thời điểm chốt số liệu để xác định các công ty con của tổ chức tín dụng, cổ đông, cổ đông lớn, thành viên góp vốn, các danh sách nhằm xây dựng lộ trình tuân thủ là đến hết ngày 30/6/2024.
Tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ để bảo đảm chậm nhất đến hết ngày 31/12/2025 tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng.
Xây dựng lộ trình để tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại điểm b khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng đề nghị cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng lập danh sách doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của mình gửi tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng rà soát, xác định các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thuộc danh sách quy định mà tổ chức tín dụng đó đang góp vốn, mua cổ phần.
Tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông lớn, thành viên góp vốn liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được xác định xây dựng lộ trình tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại điểm b khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng. Lộ trình tuân thủ của tổ chức tín dụng phải có tối thiểu các nội dung sau đây:
Danh sách cổ đông lớn, thành viên góp vốn liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được xác định, bao gồm các thông tin:
Đối với cá nhân: Họ và tên; số định danh cá nhân (hoặc số chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng), ngày cấp, nơi cấp, nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), ngày, tháng, năm sinh của cá nhân là người Việt Nam; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, nơi tạm trú tại Việt Nam, nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký tạm trú) của cá nhân là người nước ngoài; thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp trên vốn điều lệ mà cá nhân đang sở hữu tại tổ chức tín dụng (bao gồm cả phần vốn góp, cổ phần ủy quyền, ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên); tên tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền, ủy thác và mối quan hệ với cá nhân đó.
Đối với tổ chức: Tên tổ chức, số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, ngày cấp, nơi cấp, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính; thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp trên vốn điều lệ mà tổ chức đang sở hữu tại tổ chức tín dụng (bao gồm cả phần vốn góp, cổ phần ủy quyền, ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên); tên tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền, ủy thác và mối quan hệ với tổ chức đó.
Danh sách doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được xác định, bao gồm các thông tin: Tên tổ chức, số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, ngày cấp, nơi cấp, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính và mối quan hệ với cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng; thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp trên vốn điều lệ mà tổ chức tín dụng đang sở hữu tại từng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (bao gồm cả phần vốn góp, cổ phần ủy quyền, ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên); tên tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền, ủy thác và mối quan hệ với tổ chức đó;
Biện pháp áp dụng (tổ chức tín dụng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó; hoặc cổ đông lớn, thành viên góp vốn giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại tổ chức tín dụng đó; hoặc các biện pháp khác) và các mốc thời gian thực hiện để tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần điểm b khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng.
>>> Xem thêm: Lễ công bố Thương hiệu tiêu biểu Châu Á Thái Bình Dương năm 2024
Tổ chức tín dụng gửi lộ trình tuân thủ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), cổ đông lớn, thành viên góp vốn liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được xác định trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Trường hợp để đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu tổ chức tín dụng chỉnh sửa, hoàn thiện lộ trình tuân thủ. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, tổ chức tín dụng phải chỉnh sửa, hoàn thiện và gửi lộ trình tuân thủ đến Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), cổ đông lớn, thành viên góp vốn liên quan.
Điều 137. Giới hạn góp vốn, mua cổ phần
1. Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 111 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.
2. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, kể cả công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 8 Điều 111 Luật này không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.
3. Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó vào một doanh nghiệp, quỹ đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 118 và khoản 2 Điều 124 Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư nhận vốn góp.
4. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính vào doanh nghiệp, quỹ đầu tư, kể cả công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 118, khoản 2 và khoản 3 Điều 123 của Luật này không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của công ty tài chính.
5. Tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sau đây:
a) Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó;
b) Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó.
6. Mức góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ quỹ do công ty đó quản lý.
(Trích Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15)
Nguồn: Báo chính phủ
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!