Những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng Đảng qua các nhiệm kỳ, nhất là sau Đại hội XI, XII, XIII của Đảng góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Củng cố niềm tin trong đảng viên và nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, tổ chức sáng nay (9/12), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, chúng ta thấy rõ những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng Đảng qua các nhiệm kỳ, nhất là sau Đại hội XI, XII, XIII của Đảng, qua đó góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn một số hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới như Kết luận số 21-KL/TW đã nêu. Qua theo dõi, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất đồng tình và thống nhất cao việc Trung ương các khóa XI, XII, XIII đều chọn vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nội dung trọng tâm, then chốt để thảo luận, ban hành các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, và mới đây Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, mặc dù không ban hành nghị quyết như các khóa trước, nhưng về bản chất và nội hàm của Kết luận số 21-KL/TW đã thể hiện rất đầy đủ và toàn diện về quyết tâm cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
“Qua nghiên cứu, so với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII thì Kết luận số 21-KL/TW có nhiều điểm mới quan trọng, đó là: Phạm vi không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn trong Đảng, mà còn bao trùm trong cả hệ thống chính trị, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực…”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Kết luận số 21-KL/TW đề cập 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, bổ sung thêm và nhấn mạnh 2 nhóm nhiệm vụ về “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu” và nhiệm vụ “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”. “Chúng tôi nhận thức đây là những giải pháp hết sức quan trọng, có tính chất quyết định và xuyên suốt trong công tác xây dựng, chính đốn Đảng và hệ thống chính trị”.
Đối với Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, điểm mới quy định này là Trung ương đã cập nhật, bổ sung kịp thời các chủ trương, quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm khắc phục các điểm còn vướng mắc, khó thực hiện liên quan đến quy chuẩn đạo đức, lối sống; đồng thời, cũng xác định những nhóm hành vi với các điều khoản chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, rõ nội hàm, rõ hành vi, đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật khi đảng viên có dấu hiệu vi phạm hoặc có hành vi vi phạm.
Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổ chức một cách khẩn trương, nghiêm túc, bài bản, khoa học việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết Đại hội XIII trên các lĩnh vực, đồng thời ban hành nhiều văn bản rất quan trọng, nhất là trên lĩnh vực công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết, triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐTW gắn với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn ở Đảng bộ tỉnh Sơn La đã được quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức của Đảng trong toàn Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Xem thêm >>> CONTENT MARKETING LÀ GÌ? 7 LOẠI CONTENT MARKETING BẠN NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT
Trong những năm qua, nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên, nhất là trong việc nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu. Gắn kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm, qua đó đã phân tích những hạn chế, yếu kém và liên hệ những biểu hiện suy thoái, làm rõ nguyên nhân, giải pháp và lộ trình khắc phục, từ đó dễ nhận diện, đánh giá, thuận lợi cho việc tự soi, tự sửa, tự khắc phục.
Tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ được chú trọng ở tất cả các khâu, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành; quy hoạch cán bộ được thực hiện nền nếp, dân chủ, công khai, chủ động được nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, trong đó đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở… kịp thời ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ, để từ đó ngày càng phát huy dân chủ, đoàn kết và kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền trong công tác cán bộ…
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng được được nâng lên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, lãng phí, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, qua đó phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, hạn chế, thiếu sót (như vụ án liên quan đến kỳ thi THPT năm 2018 đã thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức đẩng, kỷ luật, kiểm điểm đối với 100 đảng viên; vụ án mua sắm trang thiết bị y tế đã thi hành kỷ luật đối với 2 tổ chức đảng, 7 đảng viên, khởi tổ 7 bị can, đang tiếp tục mở rộng điều tra…).
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4: Thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên
Đối với tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho biết, với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp giữa “xây và chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách… đảng viên, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quan trọng, cách làm hiệu quả, xem đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục, là nhiệm vụ vừa có tính chiến lược, vừa có tính đột phá trong củng cố, xây dựng Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp trong sạch, vững mạnh.
Theo Bí thư tỉnh Đồng Tháp, kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của đảng viên, cán bộ tỉnh Đồng Tháp trong tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị, rèn luyện, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, từng bước hạn chế và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho biết, với cách làm nghiêm túc, chặt chẽ, chủ động, các cấp uỷ, tổ chức đảng đã nhận diện, phát hiện và xử lý 352 trường hợp có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; rà soát, sàng lọc, đưa 441 đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; kỷ luật 12 tổ chức đảng và 1.152 đảng viên. Bên cạnh các trường hợp vi phạm, đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện tốt việc nêu gương theo quy định, thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm. Ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân được cải thiện, góp phần nâng cao niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, liên tục, tạo sự thống nhất về tư tưởng, hành động trong thực hiện Nghị quyết và đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Trong đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được nâng lên. Cán bộ, đảng viên đã rèn luyện, phấn đấu và thực hiện cam kết về giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương, nhất là vai trò của người đứng đầu được phát huy.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm thực hiện thường xuyên việc nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng vi phạm luôn được cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp chú trọng, thực hiện kịp thời, chặt chẽ, chính xác và nghiêm minh; cảnh báo, phòng ngừa sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần ngăn chặn những hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Bên cạnh việc triển khai quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), những năm qua Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cũng như các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tổ chức đảng, đảng viên theo quy định, đã góp phần tích cực vào việc giáo dục cán bộ, đảng viên, kịp thời nhắc nhớ, uốn nắn hành vi của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa các biểu hiện vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên. Thực tế cho thấy, việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm đã góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, quy định về những điều đảng viên không được làm được ban hành đã có tác động rất lớn đến nhận thức của cán bộ, đảng viên. Đây là quy định cụ thể hóa Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, là chuẩn mực để đảng viên thực hiện; là tiêu chí để đảng viên phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, là cơ sở để quần chủng giám sát, kiểm tra, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
(Theo baochinhphu.vn)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!