Mặc dù không sở hữu cây cung và những mũi tên ái tình thần kỳ, tỷ phú Andrey Andreev vẫn được mệnh danh là “thần tình yêu của thời đại số” khi giúp se duyên cho hàng triệu cặp đôi trên toàn thế giới thông qua các ứng dụng hẹn hò online hàng đầu của mình.
Với tổng tài sản ước tính vào khoảng 1,5 tỷ USD, tỷ phú, doanh nhân 44 tuổi người Nga Andrey Andreev lần đầu xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes vào năm 2018. Andreev là người đứng sau thành công của 5 ứng dụng hẹn hò online cực kỳ phổ biến trên thế giới; trong đó, nổi bật là Badoo – ứng dụng với hơn 380 triệu người đăng ký, sử dụng 47 ngôn ngữ và hiện có mặt tại 190 quốc gia.
Được biết, các ứng dụng mà vị tỷ phú này dày công xây dựng đều có sự liên kết và cùng chia sẻ lợi nhuận với nhau. Ngoài Badoo, đội ngũ của Andreev còn phát triển, quản lý hạ tầng công nghệ thông tin cho Chappy – một ứng dụng hẹn hò cho người đồng tính nam; và Huggle – ứng dụng ghép đôi thông qua các địa điểm mà người dùng thường xuyên lui tới.
Bên cạnh đó, Andreev cũng giúp sáng lập Bumble – ứng dụng hẹn hò cho phép duy nhất người dùng nữ có quyền chủ động liên lạc với đối phương để sắp đặt cuộc hẹn. Hiện, Bumble đang là ứng dụng hẹn hò online có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nước Mỹ và 79% cổ phần của nó được sở hữu bởi Badoo.
Andreev, anh là người khá kín tiếng và ít khi xuất hiện trước báo giới. Forbes Russia từng một lần gọi vị tỷ phú này là “Doanh nhân bí hiểm nhất phương Tây”. Tuy nhiên, Andreev đã bác bỏ danh hiệu này.
Trả lời Forbes từ London – nơi anh đang sinh sống và làm việc, Andreev nói: “Chuyện một người Nga nào đó gặt hái thành công bên ngoài lãnh thổ nước Nga là một cái gì đó lớn lắm. Đó là lý do họ nói tôi bí hiểm. Tôi đâu có bí hiểm. Tôi sống ở London và mọi người vẫn thấy tôi hằng ngày, có gì bí hiểm ở đây đâu”.
Andreev sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là nhà khoa học ở Moscow với tên thật là Andrey Ogandzhantyants. Sau này, Andreev mới đổi sang họ mẹ để người khác dễ đọc và dễ viết hơn. Vốn là một tỷ phú thành công nhờ sản phẩm số, Andreev chia sẻ rằng, niềm đam mê công nghệ trong anh đã chớm nở từ khi còn nhỏ. Doanh nhân trẻ kể: “Đam mê công nghệ đã đến với tôi từ rất sớm. Bố tôi vốn làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến công nghệ, thế nên tại căn hộ của cả nhà ở Moscow, tôi luôn có hàng tá thứ đồ chơi xung quanh”.
Lớn lên, Andreev theo học tại trường Đại học Moscow trong một thời gian ngắn, trước khi bỏ học vào năm 1992 để chuyển đến sống tại Tây Ban Nha khi mới 18 tuổi. Anh kể: “Tôi muốn đi đây đi đó để khám phá thế giới”. Nói là làm, Andreev đã mượn tiền bố mẹ để đi du lịch vòng quanh châu Âu trước khi khởi nghiệp với Virus – một cửa hàng online chuyên bán máy vi tính và phụ kiện cho cư dân mạng ở Nga vào năm 1995. Hai năm sau, anh bán Virus vào năm 1997 với giá vài trăm ngàn USD, đủ để trả hết nợ cho bố mẹ.
Tiếp theo, vào năm 1999, Andreev sáng lập SpyLog – công ty cung cấp phần mềm giúp các nhà quản trị mạng theo dõi thói quen người dùng trên website của mình. Andreev tự hào: “Có thể nói, nó (SpyLog) là ông tổ của Google Analytics”. Andreev không nói Google đã copy sản phẩm của mình, nhưng anh tin rằng công ty này đã lấy cảm hứng từ nó. Vào năm 2001, Andreev đã rời khỏi SpyLog. Số tiền để anh ra đi khi đó không được tiết lộ.
Một năm sau, Andreev thành lập công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo dựa trên nội dung trang web – Begun. Có thể hình dung dịch vụ khi đó của Andreev là một phiên bản sơ khai của Google AdWords. Đến năm 2008, phần lớn cổ phần của Begun đã thuộc sở hữu của Finam Holdings – một quỹ đầu tư tại Nga và Google đã có ý định mua lại Begun với giá 140 triệu USD.
“Suýt chút nữa chúng tôi đã chốt được bản hợp đồng đó, nhưng không may, nó thất bại”, Andreev nhớ lại. Được biết, Vụ Chống Độc quyền của Liên bang Nga đã ngăn cản việc này. Hiện, Begun vẫn còn tồn tại, song Andreev đã thoái vốn hoàn toàn khỏi công ty vào tháng 1/2004 và không còn bất kỳ liên hệ gì với nơi này.
Cái chúng tôi cần chỉ là ý tưởng, phương hướng hoạt động, tầm nhìn và một cá nhân đủ mạnh mẽ để bảo vệ ý tưởng cũng như biến nó trở thành hiện thực.
Tiếp tục bước đi trên con đường phát triển sản phẩm số, Andreev đã cho ra mắt ứng dụng hẹn hò Badoo vào năm 2006. Ba năm sau, Badoo đã có trụ sở chính tại London và một văn phòng ở Moscow. Hiện nay, đây là nơi làm việc của 300 nhân viên phát triển phần mềm với 80 người trong số đó là nữ. Bên cạnh Badoo, họ còn hỗ trợ điều hành cả Huggle, Chappy và Bumble nữa.
“Cùng nhau, chúng tôi đã xây dựng nên những ứng dụng này. Ngày nay, có hàng triệu ứng dụng khác nhau trên mạng và xác suất để thành công là khá thấp. Nhưng với Bumble, Huggle, Chappy, tiền bạc hay đội ngũ phát triển phần mềm không phải là vấn đề. Chúng tôi sở hữu những yếu tố đó. Chúng tôi có thể xây dựng sản phẩm mẫu và thiết kế mọi thứ cùng nhau. Cái chúng tôi cần chỉ là ý tưởng, phương hướng hoạt động, tầm nhìn và một cá nhân đủ mạnh mẽ để bảo vệ ý tưởng cũng như biến nó trở thành hiện thực”, Andreev nói.
Với trường hợp của Bumble, “cá nhân” đó chính là Whitney Wolfe – cựu đồng sáng lập kiêm giám đốc marketing của Tinder. Từng gặp Wolfe khi cô còn làm việc ở Tinder, Andreev đã thuyết phục nữ doanh nhân này hợp tác với mình. “Tôi bảo cô ấy rằng, cô sở hữu tiềm năng rất lớn, còn tôi thì lại có cơ sở tốt nhất. Hãy cùng làm điều gì đó đi”, Andreev nhớ lại.
Và, thứ được gọi là “điều gì đó” kể trên đã chính thức thai nghén vào mùa hè năm 2014 tại một hòn đảo ngoài khơi Hy Lạp. Andreev kể: “Chúng tôi đã bay tới đảo Mykonos cùng với một vài nhà thiết kế ban đầu của Tinder. Còn lý do tại sao lại là Mykonos ấy hả? Tôi không biết, chúng tôi chỉ tính đi đâu đó để tránh bị quấy rầy bởi điện thoại và các thứ linh tinh khác mà thôi. Khi đó, chúng tôi cho rằng Mykonos sẽ là một nơi tốt để khơi dậy nguồn cảm hứng”. 3 tháng sau, Bumble đã ra đời.
Nhận xét về tài năng của Andreev trong xây dựng và phát triển sản phẩm số, Valerie Stark – nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Huggle – đã bày tỏ những đóng góp của vị tỷ phú đối với công ty của cô như sau: “Tôi chỉ đơn giản phác thảo dự án của mình lên một mảnh giấy thôi mà anh ấy đã có thể hoàn thiện và biến nó thành sự thật. Cũng có lúc tôi không đồng ý và cố bảo vệ quan điểm của mình đối với một số tính năng; tuy nhiên, bằng cách thêm vào một số thay đổi và minh chứng thông qua nhiều kết quả đã được kiểm tra, anh ấy đã khiến cho mọi việc tốt hơn”.
Đến nay, con gà đẻ trứng vàng lớn nhất cho Andreev vẫn là Badoo. Mới cuối năm 2017, ứng dụng này đã tích hợp thêm tính năng nhận diện khuôn mặt. Tính năng này cho phép người dùng đăng hình của một người mình thích lên mạng và hệ thống sẽ tự động tìm người dùng sở hữu khuôn mặt tương tự. “Người ta thực sự rất thích nó”, Andreev cho biết.
Mặc dù vị tỷ phú từ chối công bố doanh thu của Badoo, song anh cũng bật mí rằng, có thể so sánh nó với doanh thu của Match Group – một công ty đang điều hành nhiều website hẹn hò online như OkCupid hay Tinder. Được biết, giá trị vốn hoá của Match Group đạt tới 12,2 tỷ USD và công ty này có doanh thu vào khoảng 1,3 tỷ USD trong năm 2017. “Dù chúng tôi nhỏ hơn, nhưng tính ra thì vẫn là một ông lớn”, Andreev bật mí.
(Theo Doanhnhansaigon)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!