PV GAS: Đa dạng hóa trong mô hình kinh doanh mới để phát triển

Nhìn lại một năm đầy khó khăn, thách thức 2023, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã vượt lên bằng nỗ lực và quyết tâm cao để được đạt được những kết quả xuất sắc và được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tôn vinh Tập thể có thành tích xuất sắc hoàn thành vượt mức kế hoạch quản trị về doanh thu năm 2023. Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, PV GAS đã xác định cần dạng hóa trong mô hình kinh doanh mới.

Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong nhấn mạnh, để đảm bảo phát triển bền vững, PV GAS buộc phải thay đổi, chuyển dịch sang mô hình mới “linh hoạt” theo hướng đa dạng hóa – Ảnh: VGP/MT

>>> MỜI ĐĂNG KÍ THƯƠNG HIỆU MẠNH ASEAN 2024 – ASEAN STRONG BRANDS AWARD 2024

Nhiều con số ấn tượng trong năm 2023

Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với hàng loạt những thách thức, khó khăn khi tình hình địa chính trị phức tạp; nền kinh tế trong nước thế giới tăng trưởng thấp; giá dầu Brent và giá CP có nhiều biến động, một số cước phí/giá khí vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chính thức; thị trường kinh doanh LPG trong nước cạnh tranh khốc liệt và tăng trưởng thấp…, nhưng với việc luôn chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp cùng với quyết tâm cao, PV GAS đã hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ quan trọng đề ra.

Về mặt sản lượng, trong năm 2023, PV GAS đã tiếp nhận khoảng 7,5 tỷ mkhí; sản xuất và cung cấp trên 7,1 tỷ m3 khí khô, trong đó bao gồm khí tái hóa từ LNG nhập khẩu (chuyến hàng LNG đầu tiên tại Việt Nam); hoàn thành kế hoạch sản lượng condensate với 84 nghìn tấn.

Đặc biệt, sản lượng LPG kinh doanh đạt mốc gần 2,5 triệu tấn (cao nhất trong 33 năm hình thành và phát triển của PV GAS), vượt 39% so với kế hoạch, về đích trước 3 tháng và tăng 20% so với năm 2022, đặc biệt sản lượng LPG xuất khẩu và kinh doanh quốc tế gần 1 triệu tấn, tổng doanh thu đến từ thị trường nước ngoài của PV GAS đạt gần 12 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, tổng doanh thu năm thứ 2 liên tiếp đạt trên 4 tỷ USD cùng với lợi nhuận đạt ở mức cao, tương ứng trên 10% doanh thu và bằng 25% lợi nhuận toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đóng góp gần 300 triệu USD vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, là 1 trong 3 doanh nghiệp trong Petrovietnam đạt doanh thu trên 100 nghìn tỷ đồng; chỉ số ROA và ROE lần lượt đạt trên 10% và 17%; thuộc Top 3 những đơn vị có giá trị vốn hóa cao trên thị trường chứng khoán (trên 7 tỷ USD).

PV GAS cũng đã tích cực triển khai các dự án trọng điểm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cụ thể, tiếp tục được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ; tích cực triển khai các dự án khác như: tách Ethane tại Dinh Cố, bồn chứa LPG Thị Vải, mở rộng/nâng công suất kho chứa LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm, tìm kiếm địa điểm để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư kho LNG/LPG lạnh khu vực Bắc Bộ,….

Đặc biệt là tiên phong đưa vào vận hành công trình kho LNG 1 MMTPA Thị Vải và sẵn sàng đem sản phẩm mới LNG cung cấp cho thị trường. Dấu ấn này đã chính thức ghi tên Việt Nam – PV GAS vào bản đồ kinh doanh LNG toàn cầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của ngành công nghiệp khí Việt Nam theo định hướng chuyển đổi năng lượng của Chính phủ.

PV GAS góp mặt trong hạng mục Đơn vị tiêu biểu trong động lực tăng trưởng mới – Ảnh: VGP/MT

>>> MỜI ĐĂNG KÍ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM 2024-VIETNAM VALUE 2024

Bên cạnh đó, PV GAS cũng đã chủ động thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng linh hoạt; đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động hợp tác, kinh doanh quốc tế; phù hợp với xu thế và định hướng phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam.

Với những thành tích đạt được, PV GAS đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và tăng trưởng của Petrovietnam. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng đối với những nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên PV GAS trong năm 2023. Đặc biệt, PV GAS cũng góp mặt trong hai hạng mục vinh danh khác: Đơn vị tiêu biểu trong xác lập kỷ lục mới; Đơn vị tiêu biểu trong động lực tăng trưởng mới.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng hóa

Có thể nói, các khó khăn năm 2023 mà PV GAS gặp phải chỉ là những tín hiệu ban đầu của một giai đoạn chuyển tiếp. Năm 2024, PV GAS sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt và đương đầu với không ít khó khăn, thách thức từ những yếu tố tác động bởi thị trường, các điểm nghẽn về cơ chế chính sách và cả những vấn đề nội tại cần phải được thay đổi/cải tiến để thích nghi…

Để phát huy thành tích đã đạt được, PV GAS sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; triển khai các dự án trọng điểm; nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp… góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của PV GAS và Petrovietnam.

Để đảm bảo phát triển bền vững, PV GAS buộc phải thay đổi, chuyển dịch sang mô hình mới “linh hoạt” theo hướng đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm khí; tăng cường hoạt động liên kết chuỗi.

Tại Hội nghị Người lao động Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vừa qua, ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS đã khẳng định về yêu cầu cấp thiết của PV GAS trong thời gian tới: đó là việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm khí; tăng cường hoạt động liên kết chuỗi để phát triển đồng bộ và hiệu quả tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).

Quá trình tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam – Ảnh: VGP/MT

Theo đó, năm 2024, PV GAS đã xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung giải quyết 4 nhóm vấn đề chính: giảm thiểu các tác động từ việc suy giảm nguồn khí nội địa, sự thay đổi trong cơ cấu an ninh năng lượng quốc gia, sự suy giảm về nhu cầu tiêu thụ khí; đảm bảo tăng trưởng, duy trì quy mô về doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty (TCT); xây dựng các cơ chế chính sách cho phát triển ổn định của TCT; tìm kiếm các cơ hội/các giải pháp phát triển các sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh mới cho TCT.

Cụ thể, 3 giải pháp chính mà PV GAS sẽ sử dụng để giải những bài toán này đó là: triển khai thành công Chiến lược phát triển thị trường khí với mục tiêu đến 2030 tỷ trọng khí cho phát điện và tỷ trọng khí cung cấp cho thị trường ngoài điện đảm bảo tỷ lệ 50% – 50%; trong đó ưu tiên triển khai các dự án chế biến khí từ nguồn khí nội địa; tận dụng lợi thế về hạ tầng, năng lực, nguồn lực để phát triển các dịch vụ kinh doanh hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật và thay đổi mô hình kinh doanh theo năng lượng; tham gia vào thị trường cung cấp khí làm nguyên liệu và tham gia sâu hơn nữa vào thị trường kinh doanh quốc tế.

Nguồn: Báo chính phủ

Rate this post
error: Content is protected !!