“Sóng” năm nay khởi đầu bằng ngân hàng, chứng khoán, thép, đan xen một chút của bán lẻ, hóa chất nhưng lại kết thúc ở bất động sản.
Covid-19 diễn biến phức tạp tiếp tục là đòn giáng mạnh lên kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng ở khía cạnh đầu tư, năm nay tiếp tục là một năm ghi điểm của chứng khoán.
Môi trường lãi suất thấp, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư thay thế, cùng với sức hấp dẫn bởi tỷ lệ sinh lời cao, giúp chứng khoán trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu. Số nhà đầu tư mới tăng liên tục, thể hiện qua số tài khoản mở mới mỗi tháng cao kỷ lục. VN-Index lần đầu vượt ngưỡng 1.500 điểm trong tháng 11 – thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay.
Thanh khoản cũng là một điểm nhấn trong năm nay khi liên tục tăng nhờ dòng tiền mới đổ mạnh vào thị trường.
Nửa đầu năm trước, giá trị giao dịch mỗi phiên trên HoSE chỉ loanh quanh dưới 10.000 tỷ, đến cuối năm tăng lên 15.000-20.000 tỷ đồng. Nhưng năm nay, mức cao nhất ghi nhận trong một phiên hơn gấp đôi con số này, giá trị trung bình những phiên trong tháng 11 và 12 vượt trên 1 tỷ USD.
Diễn biến này một phần nhờ sự sôi động của thị trường, khi các nhóm cổ phiếu thay phiên nhau dẫn dắt xu hướng. Đà tăng mạnh trong thời gian ngắn của nhiều mã tạo ra tỷ suất sinh lời hấp dẫn vượt xa nhiều kênh đầu tư truyền thống.
Ngân hàng
Nhóm cổ phiếu đầu tiên mang tính dẫn sóng của năm nay là ngân hàng. Được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, ngân hàng đã chứng minh được hiệu quả hoạt động khi lợi nhuận vẫn tăng trưởng, bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19.
Đà tăng của nhóm này bắt đầu từ cuối tháng 1 và kéo dài cho tới giữa năm. Ở mức đỉnh vào giữa tháng 6, VPB và SHB đều gấp hơn hai lần so với đầu năm. Các mã được chú ý như MBB, TCB, ACB, STB, HDB đều tăng mạnh. Nếu tính chung cho cả năm 2021, thị giá của nhóm này tăng trên 30%.
Xem thêm >>> CỔ PHIẾU LÀ GÌ? VÌ SAO BẠN NÊN SỞ HỮU CỔ PHIẾU
So với nhóm thương mại cổ phần, các mã ngân hàng quốc doanh có phần “chậm” hơn. CTG là cái tên tăng mạnh nhất nhưng chỉ đạt 16% tính từ đầu năm, trong khi VCB gần như không đổi, còn BID giảm hơn 9%. Nhóm này cũng ghi nhận nhịp tăng trong nửa đầu năm nhưng biên độ khiêm tốn hơn phần còn lại của thị trường.
Sau khi hoàn thành vai trò dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm, ngân hàng nhường “sân khấu” cho các nhóm khác. Tính từ mức đỉnh vào giữa tháng 6, hầu hết mã ngân hàng chỉ đi ngang hoặc giảm.
Thép
Nhắc đến các mã cổ phiếu để lại dấu ấn trong đầu năm 2021, không thể bỏ qua cổ phiếu ngành thép. Có những giai đoạn, HPG, NKG, HSG trở thành những mã được nhà đầu tư quan tâm nhất thị trường.
Đà tăng của nhóm này chủ yếu do kỳ vọng vào kết quả kinh doanh đột biến, khi giá thép thế giới và Việt Nam tăng phi mã.
Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất thị trường, báo lãi ròng trong nửa đầu năm hơn 16.700 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Doanh thu của công ty này cũng tăng gần 70% lên gần 66.900 tỷ đồng.
Doanh thu của Thép Nam Kim trong 6 tháng đầu năm gấp 2,5 lần năm trước, đạt trên 11.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.166 tỷ đồng, gấp 20 lần so với cùng kỳ và bốn lần so với cả năm ngoái. Tương tự với Hoa Sen, khi lợi nhuận trong niên độ tài chính 2020-2021 cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Kết quả là những mã cổ phiếu ngành thép trở thành tâm điểm. Các mã này tăng khoảng 60-70% trong quý III khi giá thép tăng phi mã. Chững lại vào tháng 6 rồi tăng vọt trong hai tháng tiếp theo khi công bố kết quả 6 tháng tăng đột biến.
Tuy nhiên, cũng tương tự ngân hàng, thép phải nhường “sân khấu” cho nhóm khác khi giá thép trên thị trường bình ổn trở lại. Kết quả kinh doanh của nhóm thép vẫn tích cực, song thị trường đánh giá rằng mức kỷ lục trong nửa đầu năm sẽ khó đạt được trong phần còn lại của năm 2021. Ngoài ra, một phần lý do khiến cổ phiếu thép lao dốc là sự chú ý của thị trường hướng vào những nhóm khác, đặc biệt là bất động sản.
Bất động sản
Nhắc tới thị trường trong hơn hai tháng gần đây, bất động sản là cái tên nổi trội nhất. Nhóm này “im hơi lặng tiếng” trong giai đoạn ngân hàng và thép “làm mưa, làm gió” trên thị trường. Tuy nhiên, khi mặt bằng giá của những nhóm này trở nên cao hơn, bất động sản bắt đầu được chú ý.
Ngành này ít nhiều chịu ảnh hưởng từ đại dịch, liên quan đến sức cầu của thị trường và việc triển khai các dự án. Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản cũng không quá nổi trội. Nhưng mức giá thấp trong bối cảnh dòng tiền lớn đổ vào thị trường khiến cổ phiếu bất động sản trở nên hấp dẫn.
Giới phân tích nhận định, sức hút của doanh nghiệp bất động sản không nhìn từ kết quả kinh doanh các quý đã qua, mà kỳ vọng rằng thị trường đã chạm đáy và kết quả sẽ tích cực hơn trong các quý tới. Ngoài ra một số doanh nghiệp có quỹ đất lớn cũng được chú ý khi thị trường ghi nhận những phiên đấu giá kỷ lục gần đây.
Cổ phiếu CEO giao dịch quanh ngưỡng 11.000-12.000 đồng tính tới cuối tháng 11. Nhưng đến phiên hôm nay (22/12), chưa tới hai tháng, mã này tăng lên hơn 67.000 đồng. DIG cũng tương tự, khởi đầu từ vùng giá 30.000 đồng, đến nay gấp hơn ba lần. Biên độ tăng với các mã penny thậm chí còn lớn hơn.
Nhóm cổ phiếu họ Sông Đà tăng tính bằng lần chỉ trong vài tháng. Các doanh nghiệp bất động sản nhóm đầu khí cũng bật cao dù thị giá trước đó chỉ ngang “trà đá, mớ rau”. Một số doanh nghiệp ít được chú ý, giao dịch dưới 10.000 đồng cũng lần đầu trở lại mệnh giá sau nhiều năm.
“Con sóng” này cho tới phiên hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khi nhiều mã được chú ý nhóm bất động sản tiếp tục chuỗi phiên kịch trần.
Phân phối hàng điện tử
Phân phối hàng điện tử – nhóm cổ phiếu chỉ có vài đại diện trên sàn chứng khoán, không nhiều nhà đầu tư đưa vào danh sách theo dõi nhưng cũng là cái tên ấn tượng trong năm 2021.
Nhóm này, cùng với chứng khoán, được xem là hưởng lợi từ “bình thường mới”. Nhu cầu học tập, làm việc từ xa giúp doanh số bán hàng các doanh nghiệp này tăng vọt, thậm chí “cháy hàng” trong thời gian dài. Yếu tố này khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào những con số tăng trưởng đột biến.
Bốn cổ phiếu trong nhóm này là DGW, MWG, FRT và PSD đều ghi nhận mức tăng mạnh từ giữa năm, khi diễn biến dịch phức tạp làm tăng nhu cầu mua các thiết bị điện tử. Tính chung cả năm, thị giá DGW và FRT gấp gần ba lần, PSD tăng trên 100% còn MWG có thêm gần 70%.
>>> Mở tài khoản chứng khoán MIỄN PHÍ .
Chứng khoán
Thị trường tăng trưởng, thanh khoản kỷ lục, VN-Index lập đỉnh, hưởng lợi trực tiếp chính là các công ty chứng khoán. Kết quả này được phản ánh ngay trên báo cáo tài chính, khi doanh thu từ hoạt động môi giới và tự doanh tăng mạnh.
Tuy nhiên, cổ phiếu nhóm này cũng gắn liền với sự vận động của thị trường. Giai đoạn những nhóm có ảnh hưởng tới chỉ số như ngân hàng và thép tăng mạnh, VN-Index phá đỉnh, cổ phiếu chứng khoán cũng bật cao. Nhiều mã nhóm này ghi nhận mức tăng tính bằng lần trong giai đoạn giữa năm và nửa cuối năm.
Nhưng khi thị trường chững lại, sự chú ý chuyển hướng sang nhóm mid-cap và penny – dòng tiền chảy vào các mã đầu cơ, chứng khoán cũng như bluechip đều bị ảnh hưởng. Dù vậy, tính chung từ đầu năm, các cổ phiếu chứng khoán cũng trong danh sách giúp nhà đầu tư thắng lớn.
Xét từ đầu năm, VND tăng gần 360%, FTS tăng gần 300%, SHS, SSI, VCI ghi nhận thị giá hơn gấp đôi, HCM cũng tăng gần 100%.
Ngoài những nhóm kể trên, phần còn lại của thị trường cũng không kém tích cực. Các nhóm ngành hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng như logistics, phân bón, vật tư nông nghiệp, cũng bứt phá. Khi dòng tiền lớn đổ vào ào ạt, chỉ cần cổ phiếu có thị giá thấp, chưa tăng, đều được chú ý.
(Theo Vnexpress)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!