Doanh nhân Trần Đường Quốc Hải: Thay đổi hay chết?

Bộ rễ có tốt, có khỏe thì cây mới có thể phát triển để đơm hoa kết trái. Với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng như vậy. Với quả tim nóng, cái đầu lạnh của những người lãnh đạo doanh nghiệp và tinh thần hết lòng vì khách hàng, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững và vươn xa. Cùng Ngôi Sao Doanh Nhân gặp gỡ doanh nhân Trần Đường Quốc Hải, Giám đốc khối bán hàng nội địa của Công ty Đại Đồng Tiến và nghe anh chia sẻ về những triết lý kinh doanh của mình.

Thay đổi hay chết?

“Thay đổi hay không thay đổi?”, “Truyền thống hay hiện đại?”, “Kế thừa hay từ bỏ?”,… đó là những câu hỏi không ít doanh nghiệp hay những người làm kinh doanh từng phải đặt lên bàn cân để đong đếm và chọn lựa.
Trước câu hỏi này, doanh nhân Quốc Hải chia sẻ: “Một số bạn trẻ, người lao động hay thậm chí trưởng phòng còn giữ một số tư tưởng cũ trong công việc của mình bấy lâu nay. Trong thời đại này, chỉ dùng những kinh nghiệm để có thể bước lên một cấp bậc khác là chưa đủ, mà cần phải thay đổi. Tôi luôn tâm niệm: ‘’Giống như một con đại bàng, chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ chết’’. Do đó, ở một ngưỡng cửa nào đó tại một thời điểm, chúng ta phải xác định thay đổi hay không thay đổi? Nếu bạn không thay đổi, bạn sẽ bị loại trừ. Còn thay đổi tốt với ai, phù hợp với ai, với người nào, ở thời điểm nào là ở từng mỗi cá nhân tiếp cận”.
Vị doanh nhân này luôn nhấn mạnh đến hai chữ thay đổi trong quan điểm kinh doanh của mình. Ngay cả khi một doanh nghiệp nhấn mạnh đến yếu tố truyền thống dân tộc, doanh nghiệp ấy cũng cần phải thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, làm sao giải quyết được bài toán cạnh tranh với các sản phẩm khác mà vẫn giữ được những giá trị truyền thống. Để tiếp cận được điều đó, mỗi người làm kinh doanh cần tránh được yếu tố bản ngã và lấy kinh nghiệm làm nền tảng, chứ không phải là vũ khí tiên quyết để thăng tiến. Biết lấy kinh nghiệm làm cốt lõi và dám thay đổi khi thời cơ tới, bạn sẽ thành công.

Mỗi người bán hàng là một chiến binh

Là người trực tiếp đảm nhận và điều hành mảng kinh doanh nội địa của công ty Đại Đồng Tiến, doanh nhân Quốc Hải đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên, những đại lý và những người bán hàng giỏi chuyên môn, nắm chắc các kỹ năng, hiểu sản phẩm và hiểu khách hàng. Họ chính là những người chiến binh thực thụ chiến đấu trên thị trường cạnh tranh khốc liệt giữa muôn vàn sản phẩm.
Sở dĩ doanh nhân Quốc Hải ví người bán hàng như những chiến binh bởi người chiến binh luôn chiến đấu hết mình, còn người bán hàng luôn chiến đấu trên mặt trận bán hàng. Họ chiến đấu để mang sản phẩm của doanh nghiệp đến tận tay với những khách hàng có nhu cầu với những nguyên tắc của một chiến binh. Thứ nhất, những “chiến binh” luôn có tính tuân thủ; thứ hai, luôn có niềm đam mê với lĩnh vực bán hàng; và cuối cùng, luôn hướng đến mục tiêu cao nhất mình đã đặt ra.
Doanh nhân Quốc Hải bật mí giá trị cốt lõi kinh doanh của những chiến binh: “Điều cơ bản nhất để bán được hàng là phải xác định được hai khái niệm: khách hàng là ai, và ai sẽ là khách hàng?’’ Để trả lời được hai khái niệm này, mỗi chiến binh sales phải khai khác được những nhu cầu không nói ra được của từng khách hàng, biến họ thành những khách hàng trung thành. Chính những khách hàng trung thành sẽ trở thành người bán hàng thay bạn.
Mỗi chiến binh phải hiểu về sản phẩm của mình thông qua 3 yếu tố FAB. 99% khách hàng chắc chắn sẽ mua hàng vì lợi ích. Điều cuối cùng để bán hàng hiệu quả, mỗi chiến binh phải xác định được mình đang bán hàng ở cấp độ nào trong 6 cấp độ bán hàng của một chiến binh và nghệ thuật bán hàng 6C.”

Thế nhưng, không phải bạn là người bán hàng giỏi, những người lao động giỏi sẽ được doanh nghiệp chiêu mộ. Dành cho người lao động khi tham gia phỏng vấn, doanh nhân Quốc Hải đã có những lời khuyên hữu ích: “Thứ nhất, bất kỳ người lao động nào cũng phải đáp ứng được 4 yếu tố mà nhà tuyển dụng mong đợi. Đó là KASA (kiến thức, thái độ, kỹ năng và năng lực). Tùy theo từng vị trí mà chúng ta ưu tiên thứ tự của 4 yếu tố kể trên.
Thứ hai, theo xu hướng mới hiện nay, sự phù hợp sẽ giúp người lao động và nhà tuyển dụng tìm thấy điểm chung khi hợp tác cùng nhau. Phù hợp vị trí công việc, phù hợp với chức vụ nắm giữ, phù hợp với văn hóa của công ty, cách vận hành doanh nghiệp và môi trường làm việc,… Sự khác biệt giữa nguyên tắc quản lý theo dòng sông và nguyên tắc quản lý theo thác đổ là tình huống được các nhà tuyển dụng hỏi người lao động để minh chứng cho sự phù hợp nói trên.
Muốn thành công hãy chấp nhận thử thách

Con đường dẫn đến thành công, không bao giờ trải đầy hoa hồng. Sự thành công của doanh nhân Quốc Hải được tạo nên từ việc dám chấp nhận thách thức, dám đương đầu với những khó khăn ở mọi công việc.
Ngoài những giờ làm việc gắn bó với vị trí Giám đốc bán hàng kinh doanh nội địa tại công ty, doanh nhân Quốc Hải còn là giảng viên đào tạo cho chương trình kinh doanh trực tuyến của tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica tại các trường như: Đại học Trà Vinh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Mở Hà Nội,… Một số sự kiện, chủ đề hành trình xin việc dành cho sinh viên năm cuối của Đại học Kinh tế, Đại học Nguyễn Tất Thành luôn có sự góp mặt của doanh nhân Quốc Hải với vai trò là khách mời. Các doanh nghiệp khác cũng thường xuyên mời doanh nhân Quốc Hải giảng dạy về phương pháp và quản lý. Chính những công việc tưởng chừng như không có liên hệ với nhau ấy lại bổ trợ lẫn nhau, giúp anh thành công trên mỗi chặng đường.
Doanh nhân kết luận: Cấp quản lý hay người lao động phải biết kết hợp nguyên tắc bàn tay sắt bọc nhung để kết hợp giữa ‘’quyền lực cứng và quyền lực mềm’’. Dám chấp nhận cái mình không thích, luôn sẵn sàng đương đầu với những thách thức, chấp nhận khó khăn và không ngại thay đổi là bí quyết thành công.

Nguyễn Hiển

Rate this post
error: Content is protected !!