Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đấu giá đất cao chỉ là một yếu tố tác động đến hiện tượng bất động sản sốt nóng.
Cuối năm ngoái, thị trường chứng kiến nhiều trường hợp đấu giá đất có kết quả cao gấp nhiều lần và bất thường nhất là vụ Thủ Thiêm với mức trúng giá cao gấp 7 lần mức khởi điểm. Cá biệt, có lô đất được Tập đoàn Tân Hoàng Minh thắng thầu có giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2.
Chia sẻ với báo chí, sáng 21/1, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã làm việc cùng với Bộ Tài nguyên & Môi trường, yêu cầu các địa phương đánh giá tác động về nguy cơ sốt đất thông qua đấu giá và các ảnh hưởng có thể có.
“Hiện 20 địa phương đã gửi báo cáo về bộ. Khi có đầy đủ thông tin, kết quả, Bộ sẽ báo cáo lên Thủ tướng”, ông nói.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý chung, ông cho biết, đấu giá chỉ là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá đất.
“Thị trường nhà đất bị tác động thông qua hoạt động giao dịch, nguồn cung, các dự án phát triển hạ tầng… Do vậy nếu muốn làm rõ tác động của việc này, cần đánh giá kỹ lưỡng, bài bản”, ông lưu ý.
Trước đó, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, việc đẩy mức trúng thầu cao, như vụ việc Tân Hoàng Minh đặt giá ở Thủ Thiêm sau đó bỏ cọc, có thể là một chiêu kích giá. Điều này khiến mặt bằng giá đất bị dâng lên cao không chỉ tại khu vực đấu giá mà còn lan toả đến các khu vực lân cận, gây tác động nhất định đến thị trường nhà đất.
Xem thêm >>> Tại sao Vinhomes Cần Giờ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn?
Khi được hỏi về việc này, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết Bộ Xây dựng không bình luận, góp ý về luật pháp đấu giá vì đây là lĩnh vực không nằm trong thẩm quyền. Bộ Tài Nguyên & Môi trường, Bộ Tư pháp mới là đơn vị đủ khả năng đánh giá.
Chia sẻ thêm về giá bất động sản, lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận, thị trường có đi lên từ năm 2020 sau giai đoạn chững lại hồi 2018-2019. Nhiều cơ chế, vướng mắc về pháp luật tại Luật Đầu tư, Xây dựng, kinh doanh bất động sản… đã được tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giao dịch, đầu tư.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, giá căn hộ cao cấp tăng 0,5%, giá căn hộ trung cấp tăng 2-3%, đất nền tăng 3-5%, thậm chí một số nơi có xu hướng tách nhập các đơn vị hành chính, phát triển hạ tầng mạnh có thể lên đến 10%.
“So với hai năm trước, giá bất động sản có tăng, nhưng là theo xu hướng chung trước sự lệch pha khi cung hạn chế, cầu lại rất lớn”, ông Khởi nói.
Tuy nhiên, hệ quả của mặt bằng giá đẩy lên sẽ tác động đến chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, tìm giải pháp để xử lý vấn đề này.
Cơ quan này cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, công khai thông tin quy hoạch, quản lý chặt môi giới để ngăn chặn sốt đất, đẩy giá lên cao gây ảnh hưởng đến thị trường chung.
(Theo Vnexpress)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!