Nhiều người Việt ngày càng thích món mỳ Nhật giúp doanh số của sản phẩm này tại thị trường Việt Nam luôn tăng ở mức hai con số.
Thừa nhận sức hút của mỳ Nhật ngày càng gia tăng tại thị trường Việt Nam, anh Hoàng, quản lý chuỗi nhà hàng Nhật ở quận 1 (TP HCM) cho biết, cứ 10 khách vào quán, có khoảng 7 người chọn thêm món mỳ Udon hoặc Ramen. Điều này cho thấy người Việt cũng rất thích ăn mỳ Nhật. “Lượng mỳ cửa hàng nhập về bán luôn được dự tính tăng 20% so với kỳ nhập trước đó”, anh nói.
Chia sẻ với VnExpress, Đại diện Công ty TNHH Phan Thành Akuruhi – doanh nghiệp nhập khẩu độc quyền nhiều sản phẩm mỳ khô của Nhật – cho biết, hai năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng mỳ khô của Nhật tại Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức hai con số.
“Năm 2021, công ty đã nhập hơn 5 tấn mỳ các loại, tăng khoảng 20% so với 2020. Đặc biệt, chỉ mới đầu tháng 1/2022, sức mua loại mỳ này đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái”, đại diện Akuruhi thông tin.
Theo doanh nghiệp này, ngoài số lượng người Nhật tại Việt Nam liên tục gia tăng với trên 22.000 người, lượng người Việt ngày càng chuộng món ăn Nhật sẽ giúp sản lượng mỳ khô Nhật bán chạy hơn trong những năm tới.
Xem thêm >>> BÁO GIÁ QUẢNG CÁO BÁO MẠNG NĂM 2022
Là đơn vị khảo sát thị trường Việt Nam gần 2 năm nay, ông Takeaki Kadoma, Đại diện Hiệp hội mỳ Nhật Bản kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Hokuseisha Việt Nam cho biết, qua khảo sát cho thấy, nhu cầu tiêu dùng mỳ tại Việt Nam cũng tương đồng với Nhật Bản.
Do đó, hiệp hội này đã cùng 10 doanh nghiệp Nhật đem 27 nhóm sản phẩm đặc biệt để giới thiệu tại hội chợ mỳ khô Nhật trên đường Trần Quang Khải (quận 1) từ nay đến cận Tết Nguyên đán 2022. Mục đích là để giới thiệu tới người tiêu dùng Việt và người Nhật tại Việt Nam những sản phẩm mỳ đặc trưng của nước này.
“Chúng tôi kỳ vọng lượng mỳ Nhật được bán tại Việt Nam sẽ không thua kém thị trường Thái Lan”, ông Takeaki Kadoma nói.
Cũng theo ông này, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu mỳ khô của Hiệp hội mỳ Nhật đi các thị trường trên thế giới đạt khoảng 1.330 tấn. Năm 2021 chưa tổng kết số liệu cuối cùng nhưng mức tăng trưởng khá tốt. Hiệp hội kỳ vọng đến năm 2025, xuất khẩu mỳ Nhật ra thị trường các nước đạt khoảng 2.000 tấn, tăng 50% so với năm 2020.
“Mỳ Nhật vào Việt Nam vướng rào cản về mức giá cao hơn nhiều loại mỳ khác. Nhưng với mức thuế nhập khẩu về 0% như hiện nay, chúng tôi hy vọng sẽ giúp sản phẩm này có ưu thế cạnh tranh hơn”, ông Takeaki Kadoma chia sẻ.
Theo Hiệp hội mỳ ăn liền thế giới (WINA) nhu cầu mỳ ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 toàn cầu với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019.
Thống kê của WINA cũng cho thấy, thị trường châu Á có sức tiêu thụ lớn nhất, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm 56,45% tổng tiêu thụ toàn cầu năm 2020. Đứng thứ hai là Đông Nam Á với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, chiếm 25,24%. Trung Quốc có nhu cầu về mỳ ăn liền cao nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ không cao như Việt Nam.
Tính theo bình quân đầu người, Việt Nam đứng nhì thế giới khi mỗi người tiêu thụ hơn 72 gói mỳ một năm, chỉ xếp sau Hàn Quốc. Mức trung bình trên cao gấp rưỡi Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Philippines và gấp đôi Trung Quốc, gấp ba so với Mỹ.
Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mỳ ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
(Theo Vnexpress)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!