Ngành Xây dựng tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược

Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng; Tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị; Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là nhà ở xã hội là 3 khâu đột phá chiến lược của ngành Xây dựng tập trung triển khai trong năm 2022.

Ngành xây dựng tập trung vào 3 khâu đột phá trong năm 2022 – Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của ngành Xây dựng được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến ngày 18/12 tại Hà Nội.

Thực hiện linh hoạt, hiệu quả các chỉ tiêu chủ yếu trong bối cảnh dịch COVID-19

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021,Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2021, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung thực hiện nghiêm chương trình hành động của Bộ.

Theo đó, các nội dung của chương trình hành động, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ; các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được thực hiện nghiêm túc, cơ bản kịp thời, đảm bảo tiến độ, chất lượng.Ngành Xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (tương ứng với 16 điều kiện đầu tư kinh doanh); cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đạt 34,3% trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng.

Cắt giảm, đơn giản hóa 14 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, đã thực hiện phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng thông qua điều chỉnh quy mô, phân cấp công trình xây dựng.

Về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của ngành, Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2021 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 40,5%; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 90,8%, tăng 0,8% so với năm 2020.

Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,8%, giảm 0,2% so với năm 2020), tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom đạt 15%, tăng 1% so với năm 2020.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, các lĩnh vực quản lý của ngành như công tác quản lý quy hoạch – kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý đầu tư xây dựng và giám sát chất lượng công trình cũng như công tác quản lý vật liệu xây dựng đều có những chuyển biến tích cực qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng đồng thời kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID -19 đối với những lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Với những nỗ lực của toàn ngành, trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã phối hợp thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Xem thêm >>> HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ TÍCH XANH FACEBOOK 2021 MIỄN PHÍ

Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của ngành Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, năm 2022 sẽ tiếp tục có thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Xây dựng là rất lớn.

“Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa mới hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh

Để triển khai, thực hiện thắng lợi kế hoạch công tác năm 2022, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ và các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc các địa phương cần;

Lấy quyết tâm mới, nỗ lực mới thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất đi đôi với siết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác, đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, không được bảo thủ, trì trệ, tận tụy với công việc để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2022 của ngành Xây dựng.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Lãnh đạo các đơn vị phải chăm lo, tạo điều kiện mọi mặt cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động cống hiến, tạo sự đồng thuận, đoàn kết nội bộ, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Quyết liệt, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ năm 2022. Theo đó, yêu cầu vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì dự thảo, sớm trình lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ sắp ban hành về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với tinh thần cụ thể, bứt phá, định lượng được, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ thực hiện, hoàn thành trước 15/1/2022.

Trên cơ sở kế hoạch hành động của Bộ, các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch hành động của mình, gửi về Bộ vào cuối tháng 1/2022.

Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các trì trệ, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, bất động sản; vật liệu xây dựng; tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.

Người đứng đầu ngành Xây dựng nhấn mạnh yêu cầu tập trung thực hiện 3 khâu đột phá là: Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương; Tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình; Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

(Theo baochinhphu.vn)

Rate this post
error: Content is protected !!