6 chữ T Doanh nhân cần biết

Nhiệm vụ đầu tiên của doanh nhân là tiên phong và dẫn dắt. Hơn ai hết, người lãnh đạo là người dẫn dắt doanh nghiệp, tổ chức, đội ngũ và họ sống cuộc đời mà họ dẫn dắt.

TỬ TẾ

Hãy tử tế vì Doanh nhân chính là người tạo ra hình mẫu và tử tế cũng chính là tư duy tích cực lan tỏa đến cộng đồng và đội ngũ. Tinh thần của người Doanh nhân là tinh thần của tổ chức. Cách duy nhất để lên tinh thần cho chính mình là làm cho người khác lên tinh thần bằng sự tử tế. Có những lúc cực kỳ khó vực dậy chính mình và cực kỳ khó thoát khỏi trầm uất. Thay vì vực dậy chính mình, hãy làm cho ai khác lên tinh thần bằng sự ân cần, sự kiên nhẫn và sự chân thành. Và Doanh nhân sẽ thấy phấn chấn khi tinh thần của những người xung quanh mình đang phấn chấn. 
Có rất nhiều cách để con người ta thành đạt, nhưng không có con đường thành công nào mà thiếu vắng đi sự tử tế. Sự tử tế là thành phần quan trọng của tình yêu, hạnh phúc, lòng vị tha, sự thanh thản, tính hài hòa, và nhiều khía cạnh then chốt khác nữa của thành công. Làm sao để có được sự thành công nếu thiếu đi sự tử tế? Vấn đề là chúng ta sử dụng lòng tử tế như thế nào và cho mục đích gì. Hãy bắt đầu bằng việc lập ra một danh sách ở khía cạnh nào ta có thể thể hiện sự tử tế. Chúng ta có thể tử tế với người thân trong gia đình, bạn bè, những mối quan hệ trong giao tiếp xã hội, đồng nghiệp và những người xa lạ. Thử viết ra những điều tử tế bạn đã dành cho ai đó trong những ngày vừa qua, hay vài tuần hoặc vài tháng qua.
Rèn luyện và vận dụng sự tử tế từ cấp lãnh đạo đến nhân viên chính là máu huyết của thế giới kinh doanh. Tử tế với đồng nghiệp sẽ thu hút và giữ lại tài năng cho đội ngũ. Tử tế với nhà cung cấp sẽ giúp công việc trôi chảy. Tử tế với khách hàng là cách tốt nhất để phát triển cộng đồng những người ủng hộ trung thành.

TIÊN PHONG

Nhiệm vụ đầu tiên của Doanh nhân là tiên phong và dẫn dắt. Hơn ai hết, người lãnh đạo là người dẫn dắt doanh nghiệp, tổ chức, đội ngũ và họ sống cuộc đời mà họ dẫn dắt. Điều này không xảy ra một sớm một chiều mà đến từ việc nuôi dưỡng khát khao nới rộng các giới hạn của bản thân. Tầm nhìn của người dẫn đầu to lớn đến đâu? Mong muốn đổi mới ra sao? Phát triển với tốc độ nào? Hãy liên tưởng đến Steve Jobs như một hình mẫu của sự tiên phong khi điều hành Apple mang đến cho thế giới những sản phẩm sáng tạo và vĩ đại bắt nguồn từ các ý tưởng “điên rồ”. Thay vì nghỉ ngơi trên chiến thắng, Steve Jobs và Apple liên tục cải tiến và đổi mới để tiên phong trong lĩnh vực của mình.

Để luôn tiên phong, Doanh nhân hãy luôn nới rộng các giới hạn của mình. Làm lãnh đạo là một trạng thái cô đơn, là đứng mũi chịu sào – không ai khác. Phải chọn con đường ít người đi. Phải thấy trước những khả năng mà không ai tưởng tượng ra. Phải chấp nhận thách thức những lối mòn cũ. Và đó là lý do những nhà lãnh đạo vĩ đại hoặc những nhà tư tưởng lớn thường là những người đủ dũng cảm để nhìn xa trông rộng, biết vượt lên những sự cười nhạo hoài nghi ban đầu, để tạo ra thành quả và được tôn vinh.


THẤU CẢM

Thấu cảm là khả năng đồng cảm và đặt mình vào tình huống của người khác để giao tiếp, thương lượng, đàm phán và thuyết phục. Doanh nhân cần chăm chú lắng nghe nhiều hơn đội ngũ của mình trước khi lên tiếng yêu cầu hoặc nhận xét. Điều này không chỉ tạo nên sự trân trọng mà còn hình thành mối liên kết sâu sắc trong tổ chức. Vì sao người lãnh đạo cần làm điều này? Vì sự nghiệp lãnh đạo được xây dựng dựa trên nền tảng căn bản là những mối liên kết tin cậy. 
Để tạo nên sự tin tưởng, chúng ta cần biết lắng nghe và nhận biết về 5 cấp độ lắng nghe khác nhau: phớt lờ, giả vờ, có chọc lọc, chăm chú, và đồng cảm. Luyện tập kỹ năng lắng nghe ở mức độ đồng cảm sâu sắc với người đối diện bằng cách cảm nhận bằng tất cả các giác quan, thậm chí lắng nghe từ con tim sẽ giúp người lãnh đạo gia tăng niềm tin và có nhiều cơ hội để thấu hiểu đồng nghiệp và những người xung quanh tốt hơn.

TỈNH THỨC

Tỉnh thức là tập trung cho phút giây hiện hữu. Chúng ta tập trung vào điều gì, điều đó sẽ phát triển. Sự vận động của đội ngũ phụ thuộc vào sự tập trung của từng cá nhân cho những mục tiêu nhỏ, những thời gian biểu hàng ngày, sự tương tác từng giờ. Việc duy trì sự tỉnh thức giúp người lãnh đạo luôn ở trong trạng thái cân bằng khi xử lý công việc và đối mặt với các tình huống, làm chủ cảm xúc thay vì để hoàn cảnh và người khác chi phối, đưa ra những quyết định sáng suốt và hợp tình hợp lý.
Sự tỉnh thức có thể được áp dụng mọi lúc mọi nơi với 1 ghi nhớ đơn giản là “hãy làm từng việc một và chỉ làm một việc mà thôi”. Để tâm vào một việc nào đó vào một thời điểm nhất định bằng cách thông qua luyện tập thiền, yoga hoặc sự tĩnh tâm sẽ giúp những nhà lãnh đạo cảm nhận và mở rộng sự hiểu biết về những gì đang xảy ra xung quan chúng ta trong mỗi phút giây.


TÍCH CỰC

Sự tích cực có tính lan tỏa. Nếu Doanh nhân làm được điều này, thì không chỉ người đứng đầu mà cả đội ngũ cũng sẽ được thúc đẩy khám phá tiềm năng của chính mình, bao gồm cả năng lực, khả năng và tài năng, những thành tố tạo nên nội lực cốt lõi của một tổ chức. Lãnh đạo là sứ mệnh trọn đời. Vậy đâu là nguồn nhiên liệu cho người lãnh đạo tiến bước trên con đường dài? Đó là tư duy tích cực. Việc xây dựng tư duy tích cực bắt nguồn từ việc đánh giá, kiểm soát và xây dựng chất lượng suy nghĩ. Suy nghĩ tích cực là suy nghĩ với thái độ lạc quan, chấp nhận và khoan dung. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người suy nghĩ tích cực không chỉ hạnh phúc hơn mà còn khỏe mạnh hơn. Ngược lại, suy nghĩ tiêu cực là những suy nghĩ mang thái độ giận dữ, hẹp hòi, dằn vặt và chỉ trích. Nhóm suy nghĩ này làm cạn kiệt năng lượng và nội lực về tinh thần lẫn thể chất.

THÔNG MINH CẢM XÚC

Làm chủ cảm xúc là một kỹ năng căn bản và quan trọng của Doanh nhân. Cảm xúc hay cảm nhận là phần không thể thiếu khiến chúng ta là con người. Con người có những khoảnh khắc duy lý, nhưng ẩn sâu bên dưới tất cả sự điềm tĩnh logic đó là sóng ngầm cảm xúc. Khi giao tiếp, dẫn dắt và điều hành, người lãnh đạo cần chú ý rằng sự duy lý có một hạn mức, bởi bất kể lập luận có logic đến thế nào, thì người nghe cũng sẽ tiếp nhận cùng cảm xúc.

Lãnh đạo là tạo ảnh hưởng. Nếu muốn có đội ngũ và thu hút người tài, người lãnh đạo cần phải thu hút cảm xúc của họ. Lý lẽ sẽ giành được khối óc, nhưng nếu bạn muốn giành được trái tim và sự ủng hộ của người khác, bạn phải vận dụng cảm xúc. Ngay cả ngân hàng cũng phải bán cảm xúc cho khách hàng, chứ không chỉ dừng lại ở con số lãi suất hay hạn mức. Điều này cũng tương tự với những người đứng đầu các doanh nghiệp, người lãnh đạo là người mang lại cho đội ngũ các giá trị tinh thần tích cực chứ không chỉ đơn thuần là mức lương và chính sách thưởng. 

Như vậy, ở cương vị lãnh đạo, làm thế nào để vận dụng cảm xúc một cách hiệu quả? Trước hết, hãy rà soát tương tác của bạn với nhân viên, đồng nghiệp và đối tác. Hãy bắt đầu bằng những cái tên và những cảm xúc tương ứng bạn vận dụng khi tương tác với họ, nhất là khi bạn muốn họ làm điều gì. Hãy dành thời gian và xem xét từng người trong danh sách của bạn; nhắm mắt lại và hình dung ra người đó, tìm ra những cảm xúc bạn có thể vận dụng để gây ảnh hưởng đến họ, bằng một trái tim ấm áp và mục đích trong sáng. Bạn có nhận ra một cung cách xuyên suốt bạn ứng xử với những người trong danh sách của bạn không? Nếu bạn đang nỗ lực để gây ảnh hưởng, đừng chỉ tập trung vào logic, bởi cảm xúc là yếu tố chi phối con người trước khi tạo ra kết quả. Khi tương tác với con người, bạn sẽ cần xử lý cảm xúc. Vì vậy, người lãnh đạo cần đảm bảo rằng mình vận dụng cảm xúc một cách tử tế và đạo đức.

Theo Ấn phẩm Ngôi Sao Doanh Nhân

Rate this post
error: Content is protected !!