Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank – SVB) đã sụp đổ vào sáng 10/3 (giờ Mỹ). Đây là vụ sụp đổ lớn thứ hai của một thể chế tài chính trong lịch sử Mỹ.
Xem thêm >>> MỜI ĐĂNG KÍ THAM DỰ LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU MẠNH VIỆT NAM 2023 TẠI TP.HCM
Theo kênh CNN, các nhà quản lý California đã đóng cửa SVB và đặt ngân hàng này dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). FDIC đang đóng vai trò là bên nhận, thường có nghĩa là FDIC sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng SVB để trả lại cho khách hàng, trong đó có cả người gửi tiền và chủ nợ.
FDIC cho biết, tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có quyền tiếp cận đầy đủ số tiền gửi chậm nhất là vào sáng 13/3. Với những người gửi tiền không được bảo hiểm, FDIC sẽ trả cho họ một khoản cổ tức tạm ứng trong tuần tới.
SVB bắt đầu sụp đổ khi ngân hàng này tuyên bố họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán cổ phiếu mới trị giá 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Điều này đã gây ra hoảng loạn trong các công ty đầu tư mạo hiểm quan trọng và họ đã khuyên các công ty mà họ đầu tư rút tiền khỏi ngân hàng SVB.
Cổ phiếu của SVB giảm giá vào ngày 9/3, kéo theo giá cổ phiếu của các ngân hàng khác đi xuống theo. Đến sáng thứ 10/3, cổ phiếu của SVB đã bị tạm dừng giao dịch và SVB đã từ bỏ nỗ lực tăng vốn nhanh chóng hoặc tìm người mua. Một số cổ phiếu ngân hàng khác đã tạm thời ngừng giao dịch vào ngày 10/3, như First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank.
Theo số liệu công bố mới nhất của SVB, tính đến cuối năm 2022, nhà băng này có 175 tỷ USD tiền gửi. Trong đó, chưa đầy 15% là được bảo hiểm.
Nguyên nhân là bảo hiểm tiền gửi của FDIC chỉ dành cho khách hàng sử dụng hàng ngày và gửi tối đa 250.000 USD. Trong khi đó, khách hàng của Silicon Valley Bank chủ yếu là các startup. Họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD tại đây để điều hành công ty và trả lương nhân viên.
Theo các chuyên gia, sự sụp đổ của SVB một phần do chính sách nâng lãi mạnh tay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua. Khi lãi suất còn quanh 0%, các ngân hàng tích cực mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, rủi ro thấp. Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi để đối phó lạm phát, giá trị số trái phiếu này giảm theo, khiến các ngân hàng phải gánh khoản lỗ khổng lồ trên giấy tờ.
Lãi suất cao cũng khiến các hãng công nghệ gặp khó, do nó làm giảm giá cổ phiếu và khiến họ khó huy động vốn, kinh tế trưởng tại Moody’s Mark Zandi giải thích. Việc này khiến nhiều hãng công nghệ phải rút tiền gửi khỏi SVB để duy trì hoạt động.
“Lãi suất cao cũng làm giảm giá trị của trái phiếu chính phủ và các chứng khoán khác mà SVB cần để trả cho người gửi tiền. Tất cả những việc này đã châm ngòi cho làn sóng rút tiền gửi, buộc FDIC phải tiếp quản SVB”, Zandi cho biết.
Sự sụp đổ của SVB đang tạo ra cú sốc với cộng đồng startup – nhóm coi đây là nơi huy động vốn đáng tin cậy. SVB hiện là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ.
Có gây nguy hiểm cho hệ thống?
Bất chấp mối lo ngại về sự ảnh hưởng của SVB, các chuyên gia phân tích cho biết sự sụp đổ của ngân hàng này sẽ khó có thể gây ra hiệu ứng domino dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do hệ thống tài chính đã trở nên vững chắc hơn, sự sụp đổ của các ngân hàng sẽ không còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế.
Tuy nhiên, các ngân hàng quy mô nhỏ với mô hình hoạt động chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp máy móc hay crypto vẫn sẽ hứng chịu những khó khăn nhất định.
Trong năm 2022, SVB nằm trong top 20 ngân hàng thương mại tại Mỹ với tổng tài sản trị giá 209 tỉ USD. Đây là lần tiếp theo đánh dấu sự phá sản của một trong những hệ thống ngân hàng lớn nhất kể từ sau 2008 với sự sụp đổ của Washington Mutual. SVB đã hợp tác với nhiều công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ ở Mỹ, nhiều công ty trong số đó đã rút tiền gửi khỏi ngân hàng này.
Việc SVB phá sản cũng đồng thời phản ánh những canh bạc rủi ro trong cuộc khủng hoảng thị trường vừa qua. Ngày 8/3, ngân hàng “crypto” Silvergate tuyên bố sẽ ngừng hoạt động và thanh lý toàn bộ hệ thống ngân hàng sau những khó khăn về tài chính do tính bất ổn của tài sản số. Một ngân hàng khác với tên gọi Signature cho biết, cổ phiếu của ngân hàng bị giảm 30% trước khi bị tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng từ việc bán tháo cổ phiếu.
Xem thêm >>> MỜI ĐĂNG KÍ THAM DỰ LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU MẠNH ASEAN 2023 TẠI MALAYSIA
Konrad Alt, đồng sáng lập Klaros Group cho hay, những khó khăn của SVB cũng đồng thời nói lên vấn đề hiện tại của hệ thống ngân hàng hiện hay. Số lượng tài sản tích trữ của các hệ thống ngân hàng không mang tính thanh khoản cao, việc tăng mạnh lãi suất lại ngày càng khiến số tài sản ấy dần mất thêm giá trị. Alt ước tính, việc tăng lãi suất đã làm mất đi khoảng 28% tổng số vốn trong các hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2022.
Theo Báo Chinhphu.vn
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!