Việt Nam luôn tích cực tham gia hoạt động của CICA

Chiều 8/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Kairat Sarybay, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Kairat Sarybay, Giám đốc điều hành Ban thư ký CICA

Chủ tịch nước chuyển lời thăm hỏi và những tình cảm tốt đẹp tới Lãnh đạo và nhân dân Kazakhstan, nhấn mạnh Việt Nam và Kazkhstan có quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 tăng gấp đôi so với năm 2020; đồng thời đánh giá cao vai trò của Kazakhstan, là một trong những nước sáng lập CICA, đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Diễn đàn trong thời gian qua.

Chủ tịch nước cho rằng sau 30 năm hình thành và phát triển, CICA đang ngày càng lớn mạnh, thực sự trở thành Diễn đàn lớn, quan trọng về thúc đẩy tăng cường đối thoại, củng cố lòng tin chiến lược, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên vì hòa bình, hợp tác phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế, Chủ tịch nước khẳng định hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng và tất cả quốc gia cần đóng góp hết sức mình để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ứng phó với những thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, CICA cần tiếp tục phát huy hiệu quả tôn chỉ, mục đích và những nguyên tắc hoạt động của mình, trong đó có tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; giải quyết hòa bình các tranh chấp; không can thiệp vào công việc nội bộ; thúc đẩy hợp tác đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch nước cũng mong muốn CICA ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam nhằm bảo đảm hòa bình, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời luôn tích cực tham gia hoạt động của CICA và thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường giữa các nước thành viên.

Xem thêm >>> Đổi mới hoạt động đo lường trong sản xuất kinh doanh điện năng

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ 6 tổ chức tại Kazakhstan vào tháng 10/2022 sẽ thành công tốt đẹp và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự với những đóng góp tích cực, thực chất.

Về phần mình, thay mặt Ban thư ký CICA, Giám đốc Điều hành CICA Kairat Sarybay bày tỏ biết ơn sâu sắc đối với sự đón tiếp chân tình của Chủ tịch nước, cho biết tình cảm ngưỡng mộ của lãnh đạo và nhân dân Kazakhstan đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng, cũng như đổi mới kinh tế, xã hội vượt bậc của Việt Nam.

Đại sứ nhấn mạnh thế kỷ 21 chính là thế kỷ phát triển của châu Á nên Diễn đàn CICA cần có tầm nhìn, cách tiếp cận mới để đáp ứng các nhu cầu về an ninh, phát triển của khu vực. Đại sứ bày tỏ hy vọng với uy tín, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp ý nghĩa vào công việc chung của CICA vì lợi ích hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Nhân dịp này, Giám đốc Điều hành CICA cũng đã chuyển thư của Tổng thống Kazakhstan Kassym Jomart Tokayev mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh CICA tại Kazakhstan vào tháng 10/2022./.

(Baochinhphu.vn)

Rate this post
error: Content is protected !!