Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
>>> Xem thêm: Lễ công bố Thương hiệu tiêu biểu châu Á Thái Bình Dương năm 2024
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2023 và 2024 là hai năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành chương trình và thực hiện nhiệm vụ giám sát phù hợp.
Qua đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều đổi mới, cải tiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và những năm tiếp theo.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới; các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật.
Hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng với nhiều yêu cầu đổi mới.
Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường, đổi mới và trở thành hoạt động thường xuyên. Giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân đạt được nhiều kết quả bước đầu tích cực. Công tác chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giám sát được quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời, cả về nội dung, đối tượng, thời gian, địa điểm giám sát.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã chủ động cải tiến, đổi mới, triển khai hoạt động giám sát của mình nhằm thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với các hình thức giám sát đa dạng và có sự kết hợp hài hòa giữa các hình thức giám sát. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát; đáng chú ý, có Đoàn đại biểu Quốc hội đã quan tâm tổ chức giám sát lại việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát…
Về dự kiến các chuyên đề giám sát năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, sau khi cân nhắc nhiều mặt và theo thông lệ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch; đồng thời, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2025.
>>> Xem thêm: Chương trình Thương hiệu tín nhiệm hàng đầu châu Á – ASIAN TOP BRAND AWARDS 2024
Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và sắp xếp lần lượt theo thứ tự số lượng đề xuất từ cao xuống thấp.
Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến, đề xuất 5 chuyên đề và đã xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 3 chuyên đề.
Căn cứ kết quả lựa chọn chuyên đề của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 3 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 2 chuyên đề.
Cụ thể đề xuất 3 chuyên đề là: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Chuyên đề 2: Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển du lịch.
Với 02 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao (chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).
Cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát năm 2025, các ý kiến cơ bản thống nhất giảm số lượng cuộc giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch. Hơn nữa, năm 2025 cũng là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua kết quả lấy ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội lựa chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao và 1 chuyên đề giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, gồm: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Chuyên đề 2: Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội gửi xin ý kiến các cơ quan về tên gọi chuyên đề giám sát và thời hạn tiến hành giám sát; hoàn thiện báo cáo, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Nguồn: Báo chính phủ
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!