Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách tài khóa trong thời gian tới, nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Số tiền đề xuất hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
>>> Xem thêm: Lễ công bố Thương hiệu tiêu biểu Châu Á Thái Bình Dương năm 2024
Ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới phát sinh nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục đáng kinh ngạc.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách tài khóa, đặc biệt là các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi, phát triển.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng (gồm giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92,56 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (như đã áp dụng năm 2023) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Dự kiến giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Tiếp đó tham mưu ban hành về chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Dự kiến giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Ban hành hướng dẫn việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024. Dự kiến sẽ giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.
Tham mưu Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024, với quy mô dự kiến khoảng 84 nghìn tỷ đồng.
Đóng góp ý kiến với Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, với quy mô dự kiến khoảng 8,56 nghìn tỷ đồng.
Ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 của Bộ Tài chính quy định giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% nhẩm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025). Dự kiến sẽ giảm thu NSNN khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Và mới đây là ban hành Thông tư số 43/2023/TT-BTC ngày 28/6/2024 về giảm mức thu từ 10% đến 50% của 36 khoản phí, lệ phí so với quy định hiện hành, áp dụng từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Dự kiến sẽ giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 700 tỷ đồng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, những chính sách trên bước đầu cho kết quả thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.
>>> Xem thêm: Chương trình Thương hiệu tín nhiệm hàng đầu Châu Á – Asia Top Brand Awards 2024
Để các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024 theo Nghị định 64/2024/NĐ-CP và chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định 65/2024/NĐ-CP nhanh đi vào cuộc sống, cơ quan Thuế các cấp đã kịp thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất tới toàn thể người nộp thuế hiểu và nắm được chính sách hỗ trợ của Nhà nước ngay từ khi xây dựng dự thảo Nghị định về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất năm 2024 và triển khai hỗ trợ người nộp thuế ngay khi Nghị định được ban hành chính thức. Đến nay, cơ quan Thuế các cấp vẫn đang tiếp tục tiếp nhận, cập nhật giấy đề nghị gia hạn để thực hiện gia hạn tiền thuế gửi tiền thuê đất cho người nộp thuế.
Tiếp tục đề xuất hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng
Mặc dù thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế, phí sẽ tác động tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính đã rà soát, đánh giá tổng kết các chính sách đã ban hành và trên cơ sở thực tiễn, Bộ tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách tài khóa trong thời gian tới, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trong nhóm các chính sách sẽ được ban hành thời gian tới, phải kể đến chính sách giảm thuế GTGT. Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giảm mức thuế GTGT đến hết năm 2024. Chính phủ đã trình Quốc hội tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Theo đó, dự kiến làm giảm NSNN thêm khoảng 24 nghìn tỷ đồng, tổng số giảm thu do thực hiện chính sách cả năm khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng (bao gồm khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng dự kiến giảm trong 6 tháng đầu năm).
Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024 theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến ban hành thông tư tiếp tục giảm mức thu đối với khoảng 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, dự kiến tác động giảm thu NSNN khoảng 700 tỷ đồng.
Về chính sách giảm thuế xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan. Dự kiến việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu này tác động giảm thu NSNN gần 590 tỷ đồng/năm.
Có thể thấy, giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Quy mô dự kiến đối với những giải pháp ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, mặc dù giảm thu NSNN liên quan đến việc miễn, giảm, hỗ trợ các loại thuế, phí, lệ phí nhưng không ảnh hưởng đến cân đối NSNN năm nay. Trong 5 tháng đầu năm, số thu ngân sách đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023, trong khi tổng chi ngân sách đạt 31% dự toán, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vì thế, trong nửa cuối năm nay, giả sử ngân sách có giảm thu do giảm thuế giá trị gia tăng và các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, tăng chi để đẩy nhanh đầu tư công, thì cân đối thu – chi ngân sách vẫn bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ vẫn rất an toàn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh: “Mặc dù chúng ta thực hiện tốt các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí thì chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu, từ đó kiểm soát lạm phát, ngăn chặn việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu một cách vô lý”.
Nguồn: Báo chính phủ
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!