Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân

Đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể ở hội trường, diễn ra vào chiều 2/6.

Tại thảo luận, ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu đánh giá cao việc hàng năm Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai và thực hiện. Nhờ vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh, tình trạng lãng phí còn lớn, công tác thực hành tiết kiệm nhiều lúc, nhiều nơi chưa được thưc hiện triệt để. Việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi còn chưa kiên quyết.

Sự lãng phí của cải, vật chất, thời gian

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, thời gian là thứ quý giá nhất, lãng phí thời gian là sự mất không của xã hội. Nhà nước đặt ra pháp luật để quản lý xã hội, nếu việc thực thi pháp luật chưa được tối ưu thời gian cho các tổ chức, cá nhân thì đó mới chính là sự lãng phí lớn nhất.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu thực trạng, hiện nay, công tác quản lý tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao. Việc cập nhật, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa kịp thời. Quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn nhiều bất cập, nhất là đối với những tài sản có giá trị…

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng để cập đến vấn đề về mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước; nhấn mạnh, đây là nội dung đáng quan tâm, nhất là những sai phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục hiệu quả để xử lý những tồn tại trên trong thời gian tới.

Cùng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu: “Tôi cho rằng vấn đề lãng phí trong mua sắm tài sản công cần phải được đặc biệt quan tâm xử lý, đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nhằm phòng, chống tiêu cực, lãng phí trong công tác mua sắm tài sản công, đặc biệt trong mua sắm thiết bị y tế, giáo dục và dạy nghề”.

Xem thêm >>> CHỦ TỊCH NƯỚC TIẾP ĐẠI SỨ UKRAINE VÀ ĐẠI SỨ CANADA TRÌNH QUỐC THƯ

Lãng phí trong lĩnh vực đất đai

Một trong những nội dung lớn được nhiều đại biểu đề cập đó là lãng phí trong lĩnh vực đất đai. Một số đại biểu cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề bất cập, phát sinh tiêu cực, lãng phí… Vì vậy, các ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm nghiên cứu, tháo gỡ những nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách cho vấn đề này, hạn chế tối đa phát sinh tiêu cực, lãng phí.

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, những năm gần đây, giá đất lên cao, nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất để chuyển sang đất ở, đất công nghiệp, tổ chức đấu giá trả giá rất cao, người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở, người có nhu cầu ở thì không thể có tiền để đấu giá, dẫn đến đất sản xuất trở thành đất để hoang. Đại biểu Trần Đình Gia kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng trên.

Nhấn mạnh, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích… gây lãng phí nguồn lực đất đai, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị cần làm rõ khái niệm giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công.

Cùng với đó, để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh, phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu “găm” đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng thì cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội.

Vẫn là vấn đề đất đai, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, trong khi có hàng nghìn ha đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng chục nghìn hộ gia đình không đất, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập.

Do đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án.

Chống lãng phí phải ‘ăn sâu’ vào ý thức

Đề cập đến các giải pháp để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Tây Ninh) đề nghị cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để việc này thực sự “ăn sâu” vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hằng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.

Đồng thời, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp nhân tham gia giám sát hiệu quả.

Có ý kiến kiến nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp để đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy, hoặc tích hợp vào tiết học một cách phù hợp trong các hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Nội dung này cũng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho các đối tượng là các em học sinh, sinh viên và giải pháp này sẽ góp phần xây dựng được văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội trong tương lai.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) mong muốn Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm, khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động và dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực, đặc biệt những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản, chứng khoán…

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng kỳ vọng Chính phủ sớm có lộ trình cụ thể ban hành các cơ chế phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(Baochinhphu.vn)

Rate this post
error: Content is protected !!