Thông xe hai đoạn cuối cùng của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1

Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo là hai đoạn tuyến cuối cùng thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 dự kiến sẽ đồng loạt thông xe vào ngày mai 28/4.

Từ chiều tối 28/4, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt sẽ chính thức thông xe 30km đầu tuyến, đáp ứng cho nhu cầu đi lại của người dân vào dịp lễ 30/4-1/5 này – Ảnh: Báo Giao thông

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều chuyến kiểm tra công trường trực tiếp chỉ đạo các giải pháp đảm bảo tiến độ và yêu cầu các đơn vị liên quan quyết tâm đưa dự án Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoàn thành dịp 30/4, chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Rút ngắn hành trình Hà Nội-Vinh

Tuyến cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt dài hơn 49km đi qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ thông xe khoảng 30km từ đầu tuyến đến nút giao với quốc lộ 46B dịp 30/4. Đoạn còn lại 19km có nền đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt được khởi công tháng 5/2021, với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng, đoạn qua Nghệ An dài 44,4km, Hà Tĩnh dài 4,9km.

Như vậy, sau khi tuyến đường này hoàn thành, thời gian từ Hà Nội về TP Vinh (Nghệ An) còn 3,5 giờ thay vì mất 5 giờ như khi đi Quốc lộ 1.

Ông Nguyễn Quang Tiêu, Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An nhận định: “Năm nay sẽ là một thắng lợi lớn với du lịch biển Cửa Lò”. Bởi, hệ thống hạ tầng giao thông về với Nghệ An nói chung và về với Cửa Lò nói riêng đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, bài bản.

Đoạn cao tốc qua khu vực hầm Thần Vũ có cảnh quan thiên nhiên rất hoang sơ và hùng vĩ -Ảnh: Báo Giao thông

Nói về quá trình hoàn thiện dự án, tại cuộc họp giao ban ngày 23/4 mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chia sẻ: “Cách đây khoảng 10 ngày, công việc còn rất ngổn ngang, việc thông xe dịp 30/4 chưa dám nghĩ đến. Thế nhưng, các nhà thầu trong liên danh đã có sự tương hỗ tích cực cho nhau.Thậm chí, có nhà thầu ở dự án khác đã đưa máy móc, công nhân, kỹ sư đến tư vấn các giải pháp để tăng tốc các hạng mục quan trọng. Đây là tinh thần cộng đồng trách nhiệm’ vì lợi ích chung của đất nước giúp hai tuyến cao tốc có thể khánh thành vào dịp 30/4”.

Ông Trương Đức Liên, Phó giám đốc Công ty CP Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp thực hiện dự án) cho biết, dự án khởi công vào tháng 5/2021. Tuy nhiên, phải đến ngày 12/2/2022, hợp đồng tín dụng mới được ký kết với số vốn vay 3.560 tỷ đồng. Việc thi công đúng thời điểm giá nhiên vật liệu tăng phi mã; nhiều đoạn tuyến có nền đất yếu, địa chất phức tạp khiến nhà đầu tư, nhà thầu càng thêm khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT, cùng với sự nỗ lực của nhà đầu tư và các nhà thầu, dự án đã về đích đúng hẹn.

Ông Phùng Thế Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết: “Dự án có tới 5 nhà đầu tư, giai đoạn đầu, việc kết nối của 5 nhà đầu tư có một số khó khăn. Thế nhưng rất nhanh sau đó các nhà đầu tư đã cùng nỗ lực để cùng nhau đưa dự án về đích đúng tiến độ”.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã hoàn thiện đợi lệnh thông xe. Ảnh: Vĩnh Phú

>>> Xem thêm: Chương trình Thương hiệu tín nhiệm hàng đầu châu Á – ASIAN TOP BRAND AWARDS 2024

Từ TPHCM đến Nha Trang chỉ còn 5 giờ đi ô tô

Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, hoàn thành sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Sau khi thông xe, quãng đường từ TPHCM đến thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) được rút ngắn còn gần 5 giờ đi ô tô, thay vì mất 8 giờ nếu đi quốc lộ 1.

Dự án có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty 194 làm nhà đầu tư.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Ban QLDA 85 cho biết, Ban điều hành cao tốc đã rà soát lần cuối kiểm tra công tác an toàn giao thông (ATGT) toàn tuyến và kết quả tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo này đã đủ điều kiện thông xe. 

“Các hạng mục trạm dừng nghỉ tạm gồm bãi đỗ xe, khu nhà vệ sinh, điện, nước chiếu sáng tại nút giao cao tốc với tỉnh lộ 709 cũng đã cơ bản hoàn thành. Đơn vị thi công đã hoàn tất các lắp đặt biển báo chỉ dẫn vào trạm dừng nghỉ tạm đủ điều kiện phục vụ người tham gia giao thông khi có nhu cầu dừng nghỉ trên cao tốc”, ông Long thông tin.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết đội vận hành quản lý khai thác cao tốc đã sẵn sàng hoạt động để đảm bảo an toàn giao thông cao tốc. Tại khu vực trạm dừng nghỉ khi tài xế, người tham gia giao thông ghé vào có phục vụ nước giải khát. Trạm dừng nghỉ có nhà vệ sinh (được lắp máy điều hòa), phát sóng wifi 4G, có hai cây bán nước tự động và phát nước suối miễn phí.

Kể về quá trình thi công dự án, ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó tổng giám đốc Công ty 194 (thành viên Liên danh Đèo Cả – Công ty 194) cho biết, thời điểm khởi công dự án, dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp. Công tác huy động thiết bị máy móc, nhân sự gặp nhiều trắc trở do dịch kéo dài các địa phương hạn chế đi lại.

Khi dịch qua đi, nhà đầu tư huy động dồn lực thi công, xác định các đường găng dự án.Trên tuyến có hai cầu rất lớn địa phận tỉnh Khánh Hòa, qua đồi núi trùng điệp nên đường vận chuyển vật tư, lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Những khó khăn về địa chất, khan hiếm vật tư vật liệu khi đó đã đòi hỏi nhà thầu phải có phương án thi công hợp lý.

Hầm Núi Vung – hầm có địa chất phức tạp và dài nhất cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 – Ảnh: Vĩnh Phú


>>> Xem thêm: Lễ công bố Thương hiệu tiêu biểu châu Á Thái Bình Dương năm 2024

Ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cho rằng, khó khăn lớn nhất là đường găng hầm núi Vung (Tập đoàn Đèo Cả thi công). Đây là hầm dài hơn 2,2km có địa chất phức tạp dài nhất cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1.

Đặc biệt, địa chất tại hầm núi Vung thực tế sai khác rất nhiều so với hồ sơ thiết kế (một số vị trí có địa chất quá yếu…), các công trình cầu có trụ cao trên 50m, quá trình thi công phát sinh khối lượng lớn đào phá đá nền đường nên nhiều thời điểm dự án có nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó của các nhà thầu thi công, cuối cùng dự án đã vượt qua khó khăn, về đích đúng theo cam kết.

Ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, việc thông xe đoạn cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo khớp nối đoạn cao tốc từ TPHCM đến Khánh Hòa là sự kiện có dấu mốc có ý nghĩa quan trọng các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung và Ninh Thuận nói riêng.

Trước đây từ TPHCM đến Ninh Thuận phải mất từ 7 – 8 giờ. Nay thông xe cao tốc thời gian rút ngắn chỉ còn khoảng 3,5 giờ. Đoạn cao tốc nối dài từ TPHCM đến Khánh Hòa hình thành sẽ thúc đẩy mạnh hoạt động vận tải thông suốt, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển từ tỉnh Ninh Thuận đến TPHCM và ngược lại.

“Giao thông thuận lợi, tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như dự án cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, dự án tổng kho xăng dầu Cà Ná, tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, nhà máy sản xuất Hydrogen”, ông Lê Huyền thông tin.

Nguồn: Báo chính phủ

Rate this post
error: Content is protected !!