Tháo gỡ điểm nghẽn cho mọi thành phần kinh tế phát triển

Sáng 29/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Định hướng xây dựng, hoàn thiện, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”.

GS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Tham dự và chỉ đạo có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, nhà quản lý và đại biểu dự tại 3 điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Tư pháp.

Hoàn thiện pháp luật là trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong hơn 35 năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đã có nhiều đổi mới, tiến bộ rõ rệt.

Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu, nổi bật là: Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bao quát được mọi mặt của đời sống xã hội, chất lượng không ngừng được nâng lên; thể hiện tư duy tiếp cận mới, phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới và thực tiễn mới của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi cao hơn, đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển như Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự hợp nhất năm 2017, Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Quy hoạch năm 2017, Luật An ninh mạng…

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã trở thành một nội dung trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN). Trong quá trình hội nhập, cùng với việc nội luật hoá, hệ thống pháp luật của chúng ta đã từng bước khắc phục được sự khác biệt, xung đột và trở nên tiệm cận gần hơn với các điều ước quốc tế.

“Quá trình xây dựng pháp luật đã ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch; chú trọng hơn sự tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, sự phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và quy trình ban hành luật; từng bước phát huy vai trò chủ động, tích cực của các đại biểu quốc hội và ý kiến đóng góp của nhân dân”, GS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao, quán triệt sâu sắc trong thực tiễn triển khai thi hành pháp luật. Vai trò, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội.

Kỷ cương, kỷ luật, tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật được nâng lên. Cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều vụ việc làm sai, làm trái pháp luật, nhất là các vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được xử lý nghiêm minh, mang lại hiệu quả răn đe, cảnh tỉnh lớn, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Khắc phục hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật

Về một số hạn chế trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ, hệ thống pháp luật hiện nay còn cồng kềnh, chồng chéo; một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; chất lượng của một số luật đã ban hành còn thấp; có tính khả thi không cao; tình trạng “luật ống”, “luật khung” vẫn còn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Tình trạng trên đây do một số nguyên nhân như công tác nghiên cứu lý luận về pháp luật có mặt còn chưa sâu, chưa đầy đủ; việc đổi mới nhận thức, tư duy pháp lý còn nhiều điểm chưa thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý tốt mối quan hệ giữa hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN; yêu cầu về bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về vấn đề kiểm soát quyền lực và sự chế ước lẫn nhau giữa các quyền này.

Tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng, ban hành pháp luật chưa cao. Từ khâu dự thảo cho đến khâu ban hành vẫn còn những kẽ hở tạo điều kiện cho việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của các ngành, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng văn bản pháp luật còn diễn ra tình trạng nóng vội, chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Một số dự thảo luật tiềm ẩn rủi ro làm khó cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, quản lý.

Đối với công táctổ chức thi hành pháp luật, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây vẫn bị xem là khâu yếu, tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, chưa khắc phục được. Thực trạng chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm. Kỷ cương, phép nước có nơi còn bị xem nhẹ. Xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, trên thì xử lý quyết liệt, dưới thì xuê xoa, dĩ hoà vi quý.

Để Hội thảo mang lại giá trị khoa học và thực tiễn cao, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo cần bám sát những nội dung, nhất là những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn tới. 

Xem thêm >>> 10 LÝ DO DOANH NGHIỆP NÊN LÀM SOCIAL MEDIA MARKETING

Tập trung vào hai đột phá quan trọng là tháo gỡ điểm nghẽn và tính đồng bộ, thống nhất của các đạo luật. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá phát triển cho mọi thành phần kinh tế

Đối với chủ trương của công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật phải phục vụ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước, trọng tâm và trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, tập trung vào hai đột phá quan trọng là: Tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nhất là các nguồn lực đất đai, tài chính, con người. Việc hoàn thiện, sửa đổi những luật như Luật đất đai phải được coi là luật gốc, sửa đổi một luật để góp phần sửa nhiều luật, bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống; tạo đột phá phát triển, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi chủ thể xã hội, mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.  

“Về mục tiêu, xây dựng được hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Trong thực thi pháp luật, đó là tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”, gương mẫu tuân thủ pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ XHCN của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và cán bộ, đảng viên”, GS. Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.

Đề cập về những định hướng, giải pháp lớn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; trong đó có việc tổ chức thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đặc biệt, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật để pháp luật của ta thực sự là pháp luật của nhân dân, vì nhân dân và phục vụ nhân dân.

Do đó, cần có sự đánh giá khách quan, cụ thể thực trạng hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật. Các kết quả đánh giá cần nêu rõ những thành tựu đạt được. Đồng thời, cũng thẳng thắn, khách quan chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại, những điểm nghẽn trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Trên cơ sở đó, tổng kết, rút ra các bài học kinh nghiệm, kế thừa những thành tựu đạt được, đề xuất các giải pháp khắc phục cho bằng được các hạn chế, bật cập đã chỉ ra; nắm vững các nguyên tắc khi xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, phải thận trọng, làm tốt từng khâu, không chạy theo số lượng mà đặt yêu cầu cao về chất lượng; vừa đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, khai thông những điểm nghẽn; vừa bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong dài hạn, bảo đảm tuổi thọ lâu dài cho các luật đã ban hành.

(Theo baochinhphu.vn)

Rate this post
error: Content is protected !!