Ra mắt cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng

Chiều ngày 27/12, tại Hà Nội, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”. Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm đã tham dự và phát biểu tại buổi ra mắt.

Cẩm nang nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm trên không gian mạng cho người dùng Internet ở Việt Nam; đồng thời, cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay. Cẩm nang cũng đưa ra định nghĩa của Bộ TTTT về tin giả trên không gian mạng.

>>> MỜI THAM DỰ GALA CHÀO XUÂN 2023: “CHẮP CÁNH THƯƠNG HIỆU VIỆT” TẠI HÀ NỘI

Nội dung của Cẩm nang ngắn gọn, dễ hiểu, dễ sử dụng, là những kỹ năng cơ bản để người sử dụng có thể nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả khi gặp một tin giả, tin sai sự thật. Theo đó, Cẩm nang tập trung trình bày những kiến thức cụ thể: Khái niệm tin giả trên không gian mạng; Hướng dẫn nhận biết tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; Tác động của tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; Trách nhiệm của người dùng và nhà cung cấp dịch vụ khi hoạt động trên không gian mạng; Quy trình rà quét, phát hiện và xử lý tin giả trên không gian mạng; Các quy định xử phạt; Những câu hỏi thường gặp. Đáng chú ý, Cẩm nang nhấn mạnh 8 điều cần nhớ: Dấu hiệu nhận biết một tin giả; Cách xác định tin giả; Làm thế nào để tránh bẫy tin giả; Phải làm gì nếu lỡ đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật; Cách xử lý khi thấy tin giả; Hành động có trách nhiệm trên không gian mạng; Hậu quả của việc cung cấp, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật; Các mức phạt hành chính, xử lý hình sự.

Phát biểu tại buổi ra mắt, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm nhận định, tất cả các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị tạo ra và phát tán thông tin trên không gian mạng đều có quyền nhận biết để phân biệt đúng – sai. Qua đó, các chủ thể nhận thức được quyền lực trong lĩnh vực hoạt động để điều chỉnh, hạn chế, ngăn chặn, xóa bỏ hành vi sáng tạo, phát tán tin giả. Thứ trưởng đưa ra ví dụ, như nhà quảng cáo, bằng quyết tâm, tuyên bố không đưa quảng cáo vào những trang, những kênh, những tài khoản trên mạng xã hội chuyên sản xuất, phát tán tin giả; tiến tới, tạo dựng bộ quy tắc ứng xử để bài trừ dần những hành vi sáng tác tin giả bằng cách cắt nguồn tài chính nuôi tin giả. Thứ trưởng cũng đề nghị những công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo cũng cần nhận biết được đúng – sai, để tới đây cùng đồng hành với Bộ TTTT bằng việc chỉ đưa quảng cáo vào những kênh, những địa chỉ, những tài khoản đã được xác thực, đã được đăng ký, cấp phép mà cơ quan quản lý có thể quản lý được.

“Tôi mong muốn các anh, chị, em đại diện các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo theo dõi lĩnh vực này và có mối quan tâm về thông tin trên không gian mạng truyền tải giúp những thông điệp, nội dung quan trọng trong Cẩm nang. Đối với những đối tượng khác nhau, cần có phương pháp truyền thông phù hợp khác nhau để bảo vệ người sử dụng không gian mạng” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Theo tạp chí điện tử Du lịch

Rate this post
error: Content is protected !!