Nỗ lực bắt kịp, tiến cùng, vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực và thế giới

Dự hội nghị trực tuyến công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức sáng 21/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị: Ngành tài chính, ngành thuế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa Hệ thống hóa đơn điện tử; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử. Ảnh VGP

Sáng 21/11, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu tại buổi lễ.

Dự hội nghị còn có: đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Thuế và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng và cung cấp dịch vụ truyền, nhận dữ liệu hóa đơn điện tử, Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

Tại điểm cầu 06 địa phương triển khai Hóa đơn điện tử giai đoạn 1 có các đại biểu: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long; Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn; Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang. Tại điểm cầu 57 tỉnh, thành phố có Ban lãnh đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố và các Phòng nghiệp vụ, các Chi cục Thuế thuộc các Cục Thuế và các khách mời…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng các đại bieur thực hiện nghi thức kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử. Ảnh VGP

Bước tiến dài trong cải cách thuế, người dân, DN được trực tiếp hưởng lợi

Bày tỏ vui mừng đến dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Hệ thống hóa đơn điện tử do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định những nỗ lực và kết quả bước đầu đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của Bộ Tài chính và của ngành Thuế trong tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch; đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Phó Thủ tướng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, khẳng định sự cần thiết phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức; phát triển mạnh mẽ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và cần có sự quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.

Theo Phó Thủ tướng: Các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nhận thức rõ và chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Ngành tài chính đã rất nỗ lực, chủ động đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, thị trường chứng khoán. Trong đó, cải cách công tác quản lý thuế theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả đã được Tổng cục Thuế, ngành Thuế đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Việc đăng ký, kê khai thuế điện tử được triển khai khá sớm từ năm 2009, đến năm 2015 ngành Thuế triển khai vận hành Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế đến hoàn thuế. Đến nay, tỷ lệ đăng ký thuế điện tử đạt 100%; tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 99,9%; tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99%, hoàn thuế điện tử đạt gần 98%.

Điểm lại những kết quả nêu trên, Phó Thủ tướng khẳng định: “Đây là một bước tiến dài, nhờ đó, các chỉ số về môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế được cải thiện rõ rệt, người dân, doanh nghiệp được trực tiếp hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế qua mạng, không phải trực tiếp đến các cơ quan liên quan”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa Hệ thống hóa đơn điện tử; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới.

Triển khai hệ thống Hóa đơn điện tử – nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, hóa đơn điện tử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế; vừa tiết giảm chi phí hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data). Điều này có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đầu năm nay, tại Nghị quyết số 01-NQ/CP, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng lộ trình và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã lập kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai trước tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4-7/2022, triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Điểm lại những kết quả Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã đạt được trong công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính; công tác thu ngân sách nhà nước; tham mưu chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng nêu rõ: Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm quản lý thu và bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước, việc tổ chức Hội nghị công bố và kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử hôm nay là kết quả của một quá trình phấn đấu với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, toàn ngành thuế và sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ, đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành tài chính, ngành thuế trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trong thời gian qua; chúc mừng những kết quả bước đầu mà ngành thuế đã phối hợp chặt chẽ, cũng các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đã đạt được để kích hoạt, đưa Hệ thống hóa đơn điện tử vào hoạt động và phát huy hiệu quả.

Việc xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử chỉ là bước đầu, việc vận hành và sử dụng hệ thống một cách hiệu quả mới thực sự là mong đợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và kỳ vọng của toàn xã hội, của người dân, doanh nghiệp đối với ngành tài chính, ngành thuế.

Còn bức xúc mà không được hướng dẫn, xử lý kịp thời là chưa hoàn thành nhiệm vụ

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác tài chính – ngân sách nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và còn nhiều việc cần phải làm. Có lúc, có nơi còn hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong công tác quản lý thuế.

“Có thể nói, bất cứ khi nào, nơi nào còn sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp mà không được hướng dẫn, giải thích đầy đủ hoặc xử lý kịp thời, hiệu quả thì các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức liên quan vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

Với quan điểm đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị: Ngành tài chính, ngành thuế nói riêng và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương nói chung phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi và phát triển KTXH theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Xem thêm >>> INBOUND MARKETING LÀ GÌ? TRIỂN KHAI INBOUND MARKETING NHƯ THẾ NÀO

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Với sự quyết tâm, nỗ lực cao của ngành thuế và sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ thành công và đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội, tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao. Ảnh VGP

Nỗ lựcbắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới

Theo Phó Thủ tướng, ngành tài chính, ngành thuế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Cho rằng, hội nghị hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30/6/2022, để triển khai hiệu quả việc ứng dụng hệ thống hóa đơn điện tử trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tăng cường quán triệt trong toàn ngành, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa Hệ thống hóa đơn điện tử; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới.

Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoá đơn điện tử đến toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp về hóa đơn điện tử.

Thứ ba, xác định rõ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.Rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu sốcó tính kết nối, liên thông cao, không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử, nhất là phối hợp với ngành Ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng. Đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn.

Thứ năm, cơ quan Thuế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việcquản lý hóa đơn điện tử, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới…; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thăm, động viên cán bộ công chức Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử. Ảnh VGP

Chính sách tài chính cho phát triển, vì lợi ích tổng thểcủa nền kinh tế

Đối với toàn ngành tài chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp hiện nay, ngành Tài chính, ngành Thuế lại càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với quá trình phục hồi và phát triển KTXH gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh theo tinh thần Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục thuế tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển KTXH gắn với Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng để đưa đất nước vượt qua khó khăn, không để lỡ nhịp với xu hướng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới.

Với quan điểm chính sách tài chính cho phát triển, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, Phó Thủ tướng đề nghị “các đồng chí phân tích, đánh giá, tính toán kỹ, bảo đảm sử dụng các công cụ chính sách tài khóa thực sự linh hoạt, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm đủ nguồn lực cho phục hồi và phát triển KTXH. Xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước hợp lý và bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn theo quy định.

Hai là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện hành về tài khóa như giãn thời hạn nộp, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, các chính sách chi hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng và đúng quy định. Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để tạo nền tảng cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Ba là, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tài chính – ngân sách nhà nước, nhất là trên các phương diện: Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế và tăng cường công tác quản lý thuế; tăng cường quản lý, bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và phát huy tính chủ động của ngân sách địa phương; quản lý chặt chẽ, hiệu quả nợ công, tài sản công; nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững thị trường tài chính, thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Bốn là, chú trọng thực hiện tốt công tác Đảng, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

Năm là, tiếp tục cơ cấu lại tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế gắn với đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Tài chính, ngành Thuế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tạo điều kiện để cán bộ công chức phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Sáu là, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác quốc tế về tài chính, thuế, hải quan, chú trọng hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Việc xây dựng hệ thống chỉ là bước đầu; việc vận hành và sử dụng hệ thống một cách hiệu quả mới thực sự là mong đợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và kỳ vọng của toàn xã hội, của người dân, doanh nghiệp đối với ngành tài chính, ngành thuế. Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, ngành tài chính, ngành thuế tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong thời gian tới.

(Theo baochinhphu.vn)

Rate this post
error: Content is protected !!