“Hội thảo về các hoạt động nâng cao năng lực cho tổ chức công có nhiệm vụ và chức năng về Hiệu quả năng lượng ở Việt Nam” nhằm đánh giá nhu cầu phát triển năng lực của các cán bộ tổ chức công trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng ở từng địa phương. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của CHLB Đức trong quá trình triển khai các hoạt động Hiệu quả Năng lượng hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó tìm ra mô hình phù hợp để ứng dụng tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 60 đại biểu, đại diện của các tổ chức công lập có nhiệm vụ và chức năng về Hiệu quả năng lượng (HQNL), đại diện của các doanh nghiệp công lập là các công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Còn nhiều hạn chế của các tổ chức công về HQNL
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng quan về hệ thống các tổ chức công có chức năng nhiệm vụ về HQNL tại 63 tỉnh thành phố. Các tổ chức này bao gồm các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương, các trung tâm tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, EVN, các Tổng công ty điện lực, các Công ty điện lực thuộc EVN.
Đối với các trung tâm, các hoạt động chính xoay quanh việc tư vấn, đề xuất giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật; tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng; tổ chức hội chợ triển lãm công nghệ tiết kiệm năng lượng; tổ chức đào tạo, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương để thanh tra, kiểm tra hoạt động HQNL tại các cơ sở sử dụng năng lượng.
Xem thêm >>> DIGITAL MARKETING LÀ GÌ – DIGITAL MARKETING CÓ KHÁC BIỆT VỚI ONLINE MARKETING
Các hoạt động chính của các công ty điện lực địa phương bao gồm thực hiện các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện; các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), thí điểm mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) qua các dự án cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, hội thảo cũng trình bày kết quả khảo sát về năng lực hiện nay của các tổ chức công cấp tỉnh có nhiệm vụ, chức năng liên quan đến hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả.
Dù đã triển khai nhiều chương trình cấp quốc gia về HQNL (VNEEP) và hiện nay đang triển khai VNEEP3 (giai đoạn 2019-2030) nhưng vẫn chưa có khảo sát đánh giá chính thức về năng lực của các doanh nghiệp, tổ chức công cấp tỉnh tại Việt Nam. Vì vậy, một khảo sát tổng quan để chuẩn bị cơ sở thực tế cho các khuyến nghị nâng cao năng lực là rất cần thiết.
Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các trung tâm đều có các phòng ban phụ trách và cán bộ chuyên trách về HQNL. Tuy nhiên, các trang thiết bị, phương tiện, thiết bị đo chuyên dụng cho hoạt động HQNL còn hạn chế về số lượng và chủng loại. Các hoạt động HQNL phần lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc được tài trợ, doanh thu từ hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp, các hoạt động đầu tư về HQNL gần như chưa có.
Tại các công ty điện lực tỉnh, việc triển khai các hoạt động HQNL cũng gặp nhiều khó khăn. Các cán bộ công nhân viên làm việc kiêm nhiệm theo dõi về HQNL nên chất lượng chưa cao, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Dù đã có nhiều hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện qua nhiều hình thức, nhưng nhiều khách hàng sử dụng điện chưa tiếp cận, chưa thay đổi được thói quen sử dụng điện hoặc chưa có sự quan tâm đến việc tiết kiệm điện.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế về HQNL
Từ kết quả khảo sát, dựa trên đánh giá năng lực của các cán bộ, xem xét nhiệm vụ, ngân sách và đặc điểm phát triển công nghiệp của từng địa phương, cũng như nhu cầu đặc thù của từng tổ chức công, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất ý kiến xây dựng chương trình phát triển năng lực phù hợp và khả thi tại Việt Nam. Các hoạt động hướng tới triển khai theo mô hình kết nối hợp tác song phương (giữa các tổ chức tại Việt Nam và CHLB Đức) để trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ theo đúng nhu cầu đúng thời điểm.
Các đại biểu cũng lắng nghe thêm đề xuất từ các tổ chức công của CHLB Đức về khả năng hợp tác và phát triển giữa hai nước, cũng như gợi ý các hoạt động nâng cao năng lực phù hợp với tình hình Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Các tổ chức và doanh nghiệp công cấp tỉnh đóng vai trò rất quan trọng và là nguồn lực chính để thực hiện VNEEP3, đảm bảo cho thực hiện thành công mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2020.
“Hội thảo tham vấn là cơ hội để các đại biểu đề xuất các kế hoạch, nội dung chi tiết về phát triển các nguồn lực, kỹ năng làm việc cho các tổ chức và doanh nghiệp công cấp tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan”, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững khẳng định.
TS. Nicole Glanemann, Phó trưởng ban Hợp tác năng lượng song phương Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác và đối thoại liên tục giữa Bộ Công Thương và BMWK về chính sách chuyển dịch năng lượng nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nỗ lực chung, đảm bảo việc chuyển đổi hệ thống năng lượng thân thiện với khí hậu, đáng tin cậy và hợp lý.
“Các tổ chức công luôn là công cụ mạnh mẽ để thực hiện tầm nhìn chiến lược và thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động phát triển năng lực liên tục là cần thiết để các tổ chức công hoạt động tốt, đóng góp cho những bước tiến lâu dài trong công tác hiệu quả năng lượng của quốc gia”, TS. Nicole Glanemann nhấn mạnh.
Ông Markus Bissel, trưởng Hợp phần Hiệu quả năng lượng (dự án 4E, GIZ) chia sẻ: “Hội thảo này rất đặc biệt bởi vì đây là lần đầu tiên GIZ Việt Nam có cơ hội hợp tác chặt chẽ và trên quy mô rộng như vậy với các tổ chức công trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả. Các tổ chức công sẽ luôn là một kênh tiếp cận hiệu quả trên phạm vi quốc tế để thực hiện các tầm nhìn chiến lược và đặc biệt để thúc đẩy các hoạt động và đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng”.
(Baochinhphu.vn)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!