Một chiếc bánh tròn cỡ 10×4 cm cung cấp 800-1.200 calo, gấp 5 lần một bát cơm vừa, gấp 2,5 lần một tô phở bò (khoảng 430 calo).
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bánh trung thu có nhiều loại, nhiều trọng lượng 120 g, 150 g, 180 g, 210 g, 230 g, nhiều vị. Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn… Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen… được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường. Do đó, bánh trung thu chứa nhiều năng lượng, có độ béo và ngọt rất cao.
Cụ thể, trong 25 g bánh (tương đương 1/5-1/10 bánh) chứa 95-122 calo, bao gồm 10-13 g chất bột đường và 4,3-7,7 g chất béo. Như vậy, một chiếc bánh trung thu 180 g cung cấp từ 500 đến 700 calo, tùy theo loại bánh và thành phần. Một số loại bánh thập cẩm có thể chứa gần 1.000 calo.
Ví dụ, bánh trung thu nướng thập cẩm hai trứng 250 g cung cấp năng lượng 1.095 calo, glucid (chất bột đường) 104,5 g; bánh trung thu dẻo đậu xanh một trứng có năng lượng 807 calo, glucid 158,1 g.
Để dễ hình dung, một chiếc bánh tròn cỡ 10×4 cm cung cấp 800-1.200 calo (càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao). Trong khi đó, một bát cơm vừa khoảng 200 calo, glucid 44,2 g; một tô phở bò trung bình có 430 calo, glucid 59,3 g.
“Như vậy, một chiếc bánh nướng thập cẩm có thể gấp 5 lần một bát cơm vừa, và gấp 2-2,5 lần một bát phở bò, lượng glucid gần gấp đôi”, bác sĩ Hưng cho biết.
Theo bác sĩ Hưng, nếu ăn 1/2 chiếc bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày bạn phải bớt đi khoảng một bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh.
Muốn tiêu hao hết năng lượng của 1/5-1/10 chiếc bánh trung thu đó, bạn cần nhảy 15 phút, hoặc lắc vòng 20 phút hoặc chạy bộ 15 phút hoặc làm việc nhà 30 phút.
Nam giới độ tuổi 31-50 hoạt động thể lực mức trung bình cần 2.400-2.600 calo mỗi ngày, nữ giới độ tuổi này cần 2.000 calo. Ăn một chiếc bánh trung thu là bạn đã nhận đủ năng lượng cần thiết cho hơn một bữa ăn chính. Nếu bạn không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày dễ dẫn đến dư thừa năng lượng, tăng cân, béo phì, rối loạn đường huyết, tăng nguy cơ đái tháo đường. Đặc biệt, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý đến khả năng tăng đường huyết sau ăn do thành phần của bánh trung thu là carbohydrate dễ hấp thu và đi nhanh vào máu.
Xem thêm >>> 10 BƯỚC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU THÔNG QUA MẠNG XÃ HỘI ĐỂ THÀNH CÔNG HẬU COVID-19
Cách ăn bánh trung thu hạn chế thừa cân, béo phì và không ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, là nên ăn bánh với “tinh thần thưởng thức trung thu”. Mỗi lần ăn chỉ một phần nhỏ, một phần tư hoặc phần tám, hoặc sử dụng bánh cho người ăn kiêng.
Không nên ăn bánh trung thu khi đói bởi bạn có khả năng ăn nhiều hơn so với bình thường, sẽ khiến cân nặng tăng nhanh. Không nên ăn bánh trung thu vào buổi tối do cơ thể vận động ít, khả năng tiêu hao năng lượng thấp hơn ban ngày. Nếu ăn, khả năng chúng tích lũy năng lượng dưới dạng mỡ thừa rất cao.
Cách tốt nhất là nên chia bánh thành nhiều phần nhỏ và thưởng thức vào từng thời điểm trong ngày. Khi ăn, cần cân nhắc tổng thể năng lượng, thành phần dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt. Từ đó điều chỉnh lượng thức ăn khác trong ngày. Ngoài ra, kết hợp tập luyện để tăng mức tiêu hao năng lượng.
Trà là thức uống hay được sử dụng khi ăn bánh trung thu. Trà xanh hay trà ô long hợp với bánh có vị mặn và trà hoa cúc hợp hơn với bánh có vị ngọt. Những loại trà này chứa axit acetic, giúp tiêu hóa và phân giải chất béo tốt hơn.
(Theo Vnexpress)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!