“Khi mọi thứ đang chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió chứ không phải xuôi chiều gió.” – Đó là lời chia sẻ của Lê Thị Hoài, cô gái sinh ra trong gia đình nghèo khó, vượt qua những năm tháng vất vả, đầy cực nhọc để có được thành công.
Tuổi thơ cơ cực: Nghỉ học để phụ giúp gia đình
Sinh ra trong gia đình thuần nông, nhà lại đông anh em, Lê Thị Hoài sống trong cảnh khó khăn thiếu thốn từ nhỏ. Thấu hiểu sự nhọc nhằn của mẹ, từ khi còn là học sinh Lê Thị Hoài đã không quản ngại nắng mưa, lam lũ be bờ phụ giúp mẹ trồng lúa, chăm sóc hoa màu gia tăng sản xuất cùng gia đình, vừa cố gắng làm thêm, kiếm tiền phụ giúp gia đình và nuôi ước mơ đến trường. Hoài vốn có đam mê và năng khiếu đặc biệt với hội họa. Dù chưa trải qua trường lớp đào tạo nào nhưng cô có thể tự thiết kế quần áo cho các em. Nhưng cũng vì gia cảnh khó khăn, nhiều lần cô bị bố mẹ phản đối: “Không học, suốt ngày vẽ vời. Vẽ vời có ăn được không?”
Thương bố mẹ, cô đành gác lại ước mơ, đam mê của mình nhưng vẫn không ngừng động viên bản thân cố gắng học hành bởi cô cho rằng chỉ có con đường học mới là con đường nhanh nhất giúp cô vươn lên hoàn cảnh khó khăn để sau này có cơ hội theo đuổi đam mê của mình.
Tuy nhiên, mong muốn được đi học của Hoài cũng không thể tiếp tục. Hoàn cảnh quá khó khăn, Hoài đã quyết định quyết định nghỉ học, tự nguyện hi sinh ước mơ của mình đề đi làm phụ giúp học phí cho anh và các em. Cảm thấy bản thân có năng khiếu và niềm yêu thích với hội họa và nhận định nghề trang điểm – chụp ảnh là một hướng đi phù hợp với bản thân, Lê Thị Hoài đã quyết định xin học nghề tại một ảnh viện áo cưới nổi tiếng tại thị xã. Vốn là người kiên trì, có quyết tâm vươn lên lại hiền lành, chịu khó, Hoài rất được anh chị chủ tiệm quý mến. Chỉ sau một năm cô đã thành thạo nghề. Hoài có ý định sẽ trở lại quê, mở cho riêng mình một ảnh viện áo cưới. Nhưng vấn đề lớn nhất lúc bấy giờ với cô là vốn, bản thân cô không thể tự mình mở một cửa tiệm cũng như mua các trang thiết bị cho tiệm của mình. Lại một lần nữa, Hoài trăn trở cho tương lai của mình. Cô quyết định đi xuất khẩu lao động bởi đây là cách duy nhất giúp cô kiếm đủ số tiền cần thiết. Xuất khẩu lao động, suýt liệt tay vì công việc vất vả. Khăn gói lên đường đi xuất khẩu lao động, cô gái trẻ với khát khao theo đuổi ước mơ vẫn chưa thể hình dung được những gì sẽ đến với mình ở phía trước, vẫn cứ nghĩ ở nơi đất khách quê người, hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình. Lê Thị Hoài sang Đài Loan, trở thành công nhân nhà máy. Nhưng công việc lúc bấy giờ mà cô đảm nhận cần một thể lực và sức bền khủng khiếp. Tất cả những người làm công việc này trước đây đều bỏ trốn vì quá vất vả chứ chưa nói tời Hoài, một gái với thân hình gầy gò, ốm yếu.
Nhưng bằng nghị lực, quyết tâm vươn lên cũng như không muốn gây thêm gánh nặng cho gia đình, Lê Thị Hoài đã tiếp tục kiên trì với công việc. Sau 2 năm làm quần quật, cánh tay của cô gần như bị liệt, không thể lao động được tiếp. Dù được ông chủ người Đài Loan đưa đi chữa trị, nhưng di chứng vẫn hành hạ cô mỗi khi trái gió trở trời. Nhận thấy bản thân không thể tiếp tục với công việc, cô xin phép về nước mà không gia hạn thêm hợp đồng bởi với cô, đôi tay là điều quan trọng. Về nước và cú lộn ngược dòng để thành công.
Sau khi về nước, cô đem tiền tích lũy của mình giúp đỡ gia đình, số tiền còn lại chỉ còn ba mươi triệu đồng vẫn chưa đủ cho cô mở một ảnh viện áo cưới như mong muốn.
Nhưng cô gái này vẫn không nản lòng, cô tiếp tục xin học việc tại một tiệm làm tóc. Vốn là người khéo tay, lại ham học hỏi, sau một thời gian ngắn, Hoài đã học nghề thành công và tự mở cho mình một cửa hiệu làm tóc nho nhỏ cho bản thân mình.
Nhờ tay nghề khéo, cô nhanh chóng thu hút được nhiều khách hàng. Sau 2 năm tiếp, cô đã có một số vốn trong tay và quyết định chuyển sang lĩnh vực trang điểm, chụp hình.
Chưa dừng lại ở đó, Lê Thị Hoài còn tiếp tục lên Thành phố Hồ Chí Minh theo học lớp xăm thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Hoài Anh nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp của các chị em.
Cho tới nay, Lê Thị Hoài đã sở hữu cho mình một ảnh viện áo cưới mang tên Hoài An Bridal. Với cô, ảnh viện áo cưới này có ý nghĩa vô cùng lớn lao bởi nó chính là tâm huyết, là nỗ lực, là mồ hôi xương máu mà Lê Thị Hoài đã đánh đổi cả thanh xuân để có được.
Mới đây, cô vừa được vinh danh trong lễ Tôn vinh Nữ doanh nhân tài sắc được tổ chức tại Hồ Chí Minh. Đây là giải thưởng tôn vinh những nữ doanh nhân Việt Nam có phẩm chất, tài đức vẹn toàn, không những thành công trên thương trường mà còn có trách nhiệm với gia đình, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Có thể nói, để đạt được danh hiệu này, Lê Thị Hoài đã phải trải qua không biết bao khó khăn, thử thách. Đây cũng chính là sự đền đáp cho những gì Lê Thị Hoài đã trải qua. Giải thưởng cũng sẽ là động lực giúp cô vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục vươn lên để có những đóng góp đáng kể cho gia đình và xã hội.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Lê Thị Hoài đã gặp không biết bao khó khăn, vất vả. Nhưng cô luôn thầm cảm ơn những khó khăn này bởi chúng là động lực giúp cô rèn luyện ý chí kiên định, nghị lực kiên cường để vượt lên tất cả. Cô cũng luôn tâm đắc câu nói của Henry Ford rằng: “Khi mọi thứ đang chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió chứ không phải xuôi chiều gió.”
Cô cũng chia sẻ: “Các bạn trẻ đừng cầu nguyện để đời không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn mà hãy cầu nguyện để đủ sức đương đầu với sóng gió cuộc đời và viết nên câu chuyện của riêng bạn.”
N.H
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!