Kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972).

Vịnh Hạ Long – di sản thế giới

Tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên. Các hoạt động kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1972 được tổ chức nhân dịp chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay (từ 05 – 07/9/2022). Trong đó, Lễ kỷ niệm và hoạt động phụ trợ diễn ra ngày 06/9/2022 tại Ninh Bình. Các hoạt động này được tổ chức trên danh nghĩa phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình – Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào ngày 06/9/2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Ninh Bình với khách mời danh dự là bà Audrey Azoulay – Tổng Giám đốc UNESCO.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm sẽ có các hoạt động phụ trợ gồm: Triển lãm ảnh về di sản thế giới với nội dung giới thiệu các bức ảnh đẹp về các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, khách du lịch trong và ngoài nước; chiếu phim ngắn giới thiệu các khu di sản, kinh nghiệm, điển hình hay trong công tác bảo tồn và phát huy di sản thế giới tại Việt Nam; trao giải vẽ tranh về di sản.

Ngày 16/11/1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây là Công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có ảnh hưởng sâu rộng nhất, được các quốc gia thành viên nghiên cứu áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới. Đến năm 2020, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này. Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước từ ngày 19/10/1987.

Từ khi tham gia Công nước đến nay, Việt Nam đã có 08 di sản văn hóa, thiên nhiên và hỗn hợp được ghi vào Danh mục di sản thế giới. Cũng từ sau thời điểm 1987, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng dần tiệm cận với tinh thần của Công ước, bộ máy quản lý di sản thế giới từ trung ương đến địa phương đang được củng cố, các nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa, đồng thời luôn tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để bảo vệ di sản thế giới…

Các di sản thế giới tại Việt Nam đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương, cộng đồng, góp phần phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Xem thêm >>> Chương trình Vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2022

Trong khuôn khổ cơ chế UNESCO nói chung và Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nói riêng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, trong giai đoạn 2013- 2017, Việt Nam được tín nhiệm, bầu là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, cơ quan gồm 21 quốc gia đại diện các nước thành viên Công ước UNESCO 1972 thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên tổ chức kỷ niệm 50 năm Công ước, hướng tới Lễ kỷ niệm toàn cầu tại Florence, Italia vào 11/2022, Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản và thiên nhiên thế giới trong năm 2022 tại Việt Nam dự kiến sẽ mở đầu cho chuỗi các hoạt động thế giới kỷ niệm Công ước 1972, và cũng đánh dấu 35 năm Công ước được thực thi ở Việt Nam.

Vì vậy, việc tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 thể hiện vai trò, đóng góp, trách nhiệm của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế tôn vinh, phát huy hơn nữa giá trị của Công ước đặc biệt quan trọng này, quảng bá rộng rãi những thành tựu của Việt Nam trong bảo tồn và phát huy di sản thế giới tới các nước thành viên UNESCO và đông đảo cộng đồng quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi Việt Nam ứng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023- 2027, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam-UNESCO trong thời gian sắp tới.

Theo Báo Chinhphu.vn

Rate this post
error: Content is protected !!