Hiệu chỉnh để phục hồi và phát triển

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV), mục tiêu và chỉ tiêu kinh tế đặt ra cho năm 2023, qua giải trình của Chính phủ và thảo luận của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, cho thấy các mục tiêu đã được cân nhắc kỹ, nhưng không phải dễ dàng đạt được, mà cần phân tích từng vấn đề cụ thể để làm rõ sự đan xen giữa thuận lợi và thách thức, từ đó hiệu chỉnh kịp thời, tạo đà hồi phục và phát triển nhanh, bền vững hơn.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Xem thêm >>> MỜI THAM DỰ GALA CHÀO XUÂN 2023: “CHẮP CÁNH THƯƠNG HIỆU VIỆT” TẠI HÀ NỘI

Thách thức hiện hữu và khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam

Quốc hội và Chính phủ đã xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế năm 2023, như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức hiện hữu. Thứ nhất là dịch bệnh vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau. Thứ hai là rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn; cho dù rằng giá xăng dầu-khí đốt và hàng hóa khác đang có xu hướng giảm nhẹ, nhưng khả năng bảo hộ thương mại-đầu tư có xu hướng tăng. 

Đồng thời, kinh tế thế giới có biểu hiệu suy thoái nhẹ, làm giảm nhu cầu thương mại khiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn và thu hút FDI cũng như các nguồn lực khác sẽ chậm lại.

Cùng với đó, lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu được các quốc gia kiểm soát hiệu quả hơn, theo xu hướng dịu dần. Mỹ sẽ giảm đà tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất từ cuối năm 2023. Như vậy, áp lực từ bên ngoài đối với lạm phát, lãi suất và tỉ giá của Việt Nam sẽ nhẹ hơn. Kéo theo đó, rủi ro ở khu vực sản xuất, tài chính-tiền tệ, bất động sản sẽ giảm theo. 

Tuy nhiên, yếu tố rủi ro này ở một số nền kinh tế vẫn còn ở mức cao, tác động đến thị trường tài chính-tiền tệ, bất động sản của Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Thêm nữa, ông Hùng cho rằng, năm 2023 cũng là thời điểm phải tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá điện, y tế, giáo dục…).

Bên cạnh khó khăn,  những kết quả và tình hình kinh tế năm 2022 cũng sẽ đem lại những thuận lợi, cho dù còn có những thách thức phải giải quyết như thách thức về tiền tệ, tỉ giá. 

Xét trên tổng thể, Việt Nam đang thể hiện được sự chủ động, linh hoạt, điều hành chắc chắn, phù hợp tình hình và biến động thực tế; tín dụng được kiểm soát, đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống, trong điều kiện các nước thắt chặt, kết quả này góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô.

“Những trở ngại, thách thức rất khó lường và khó lượng hóa thành con số cụ thể. Nhưng qua đó, có thể thấy khả năng chống chịu tốt của kinh tế Việt Nam năm 2022, đặc biệt là những hiệu chỉnh chính sách và điều hành những tháng cuối năm 2022 về tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, kiểm soát và nới chỉ số lạm phát năm 2023 lên không quá 4,5%… là rất cần thiết và sẽ tạo đà cho sự hồi phục nhanh hơn trong năm 2023”, ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Một số nội dung trọng tâm cần triển khai 

Từ trên giác độ phân tích như trên, ông Hồ Sỹ Hùng nêu một số nội dung cần tập trung triển khai hướng để đến mục tiêu và các chỉ tiêu đã định.      

Trước tiên, đà phục hồi năm 2022, sẽ tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm tới. Mức tăng trưởng cao năm 2022 góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm. Lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện thích ứng, thận trọng chứ không phải thắt chặt chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo “dư địa” mở rộng phù hợp chính sách tài khóa… Vì vậy, cần duy trì và phát huy ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi này, để tạo quán tính cho nền kinh tế tiếp tục vận hành ổn định.

Thêm vào đó, nhiều chương trình, kế hoạch phát triển trung-dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, cần triển khai nhanh hơn, tác động tích cực, mạnh mẽ hơn đến nền kinh tế.

Khẳng định đầu tư công có thể là cứu cánh, theo ông Hùng, cần xem xét nới thêm các chỉ tiêu để mở rộng chính sách tài khóa, sẽ tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công.

“Tất nhiên, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực, ngược lại còn có thể gây những bất ổn. Yêu cầu mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa là phải gắn dòng vốn đó vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho tăng trưởng”, ông Hồ Sỹ Hùng lưu ý thêm.

Tiếp theo, cần tận dụng cơ hội để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến sản phẩm, từ đó bứt phá từ sản xuất phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn.

Một nội dung quan trọng khác là xử lý các điểm nghẽn, trong đó vấn đề lớn nhất là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh, chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục… Do đó, việc giải quyết nút thắt thể chế cũng là yếu tố quan trọng mà nếu tháo gỡ được sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.

Một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và đang được tiếp cận tháo gỡ.

Cuối cùng, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết những nhiệm vụ như: Phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô; cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá, giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cân đối ngân sách trước mắt và lâu dài; tháo gỡ vướng mắc, nhất là về pháp lý và vốn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi, giải quyết các dự án tồn đọng… là những việc rất cần thiết, nhưng phức tạp và có sức ép rất lớn tại từng thời điểm nhất định; đòi hỏi thái độ dám chịu trách nhiệm trong điều hành.

“Năm 2023, cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng còn tiếp tục nên tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm có thể vẫn diễn ra, đòi hỏi giải pháp mềm dẻo, linh hoạt, đảm bảo cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm”, Phó Chủ tịch UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp nhận định./.

Theo Báo Chinhphu.vn

Rate this post
error: Content is protected !!