Giải ngân vốn đầu tư công: Chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn trong tổ chức thực hiện

Sáng ngày 1/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực chủ trì họp Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 7 bộ, cơ quan Trung ương và 4 địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực chủ trì họp Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 7 bộ, cơ quan Trung ương và 4 địa phương. Ảnh: VGP/Hải Minh

Theo Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ giao tổng số vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) trên 24.000 tỷ đồng cho 7 bộ, cơ quan Trung ương và 4 địa phương thuộc Tổ công tác số 1, gồm: Tòa án Nhân dân Tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Giang, Lạng Sơn.

Xem thêm >>> Chương trình vinh danh Thương Hiệu Nổi Tiếng Đất Việt Năm 2022

Đến nay, Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân Tối cao chưa phân bổ hết kế hoạch vốn. Số vốn này đã được Bộ KH&ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác theo quy định. Các bộ, ngành và địa phương còn lại đã hoàn thành phân bổ, giao vốn chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án.Ước tỉ lệ giải ngân của 7 bộ, cơ quan và 4 địa phương trong 7 tháng đầu năm đạt 15,43% kế hoạch Thủ tướng giao năm 2022, thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước là 34,47%.Lý giải nguyên nhân tỉ lệ giải ngân còn thấp, lãnh đạo các bộ, cơ quan và địa phương cho rằng: Giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; sự quyết liệt trong tổ chức triển khai cùng với năng lực còn hạn chế của một số ban quản lý dự án… vẫn là những nút thắt chủ yếu.

Bên cạnh đó, các dự án mới đòi hỏi cần thời gian để hoàn tất mọi công tác chuẩn bị trước khi khởi công; một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, điều kiện thời tiết bất thường.

Tại cuộc họp, lãnh đạo 7 bộ, cơ quan và 4 địa phương cam kết phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2022.Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, kể từ phiên họp của Tổ công tác số 1 được tổ chức vào tháng 5/2022 đến nay, đã có 2/9 bộ, cơ quan Trung ương (Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ) và 3/5 địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế) thuộc Tổ công tác số 1 có tỉ lệ giải ngân đạt mức cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Đánh giá cao việc 7 bộ, cơ quan Trung ương và 4 địa phương cam kết giải ngân hết số vốn được giao năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh sự khác biệt nằm ở sự vào cuộc quyết liệt của mỗi bộ, ngành và địa phương vì cùng một mặt bằng thể chế, vẫn có bộ, cơ quan và địa phương đạt tỉ lệ giải ngân tốt. Đặc biệt, có những cơ quan, địa phương đã ra khỏi danh sách có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước sau phiên họp vào tháng 5 vừa qua.

Trường hợp không giải ngân được, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn cho các bộ, cơ quan, địa phương khác đang cần vốn để triển khai.

Rate this post
error: Content is protected !!