Giá hàng hoá thế giới giảm mạnh

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá vừa đóng cửa tuần giao dịch biến động rất mạnh. Lực bán hoàn toàn áp đảo trên cả 4 nhóm mặt hàng nguyên liệu đã kéo chỉ số MXV- Index chốt tuần giảm tới 3,79% xuống mức 2.293 điểm. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 3.800 tỷ đồng mỗi phiên, tiếp tục tăng gần 9% so với tuần trước đó.

Bảng giá năng lượng kết thúc tuần giao dịch 6/3-12/3.

Xem thêm >>> MỜI ĐĂNG KÍ THAM DỰ LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU MẠNH VIỆT NAM 2023 TẠI TP.HCM

Thị trường năng lượng “đỏ lửa”

Kết thúc tuần giao dịch ngày 06/03-12/03, giá khí tự nhiên lao dốc hơn 19% khi dự báo cho thấy thời tiết sẽ ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm thấp hơn. Đồng thời, Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cũng cho biết dự trữ khí tự nhiên hiện cao hơn 19% so với mức trung bình 5 năm.

Nguồn cung không đáng lo ngại trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng là yếu tố khiến giá khí tự nhiên giảm.

Cùng với đó, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường dầu thô khi bài toán tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm kiểm soát lạm phát của Mỹ “nóng” trở lại. Lo ngại tăng trưởng chậm kéo theo sự suy yếu trong bức tranh nhu cầu đã kéo giá dầu giảm, với dầu WTI giảm 3,77% xuống còn 76,68 USD/thùng và dầu Brent giảm 3,55% xuống 82,78 USD/thùng. 

Hiện tại, công cụ theo dõi lãi suất của CME Group cho thấy có 87% ý kiến cho rằng 25 điểm cơ bản sẽ được bổ sung trong kỳ họp tới, gia tăng mạnh mẽ từ con số 60% 1 ngày trước. Các thông tin này đã kéo giá dầu phục hồi trong phiên cuối tuần. 

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam: “Xu hướng phục hồi của giá dầu có thể sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất là cho đến trước thời điểm ra báo cáo lạm phát tháng 2, một trong những dữ liệu sẽ tác động mạnh tới xu hướng giá.”

Cũng theo ông Phạm Quang Anh, trong tuần này, tâm điểm của thị trường sẽ hướng về dữ liệu lạm phát của Mỹ, cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như những diễn biến trên thị trường tài chính, đều là những yếu tố gây ảnh hưởng tới sức khoẻ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế Mỹ (IEA) cũng sẽ cung cấp góc nhìn cung cầu và tác động tới diễn biến giá. 

Xem thêm >>>  MỜI ĐĂNG KÍ THAM DỰ LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU MẠNH ASEAN 2023 TẠI MALAYSIA

Giá nông sản nhập khẩu hạ nhiệt

Ông Phạm Quang Anh cho biết trong tuần này, thị trường sẽ tiếp tục phản ứng với các số liệu về nguồn cung nới lỏng hơn ở Argentina từ báo cáo cung-cầu nông sản tháng 3. Bên cạnh đó, mối quan tâm cũng sẽ dần chuyển sang triển vọng mùa vụ sắp được gieo trồng của Mỹ, trước khi diện tích dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 3 này.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 13/3, tại cảng Cái Lân, khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về Việt Nam được chào bán ở mức 15.050-15.200 đồng/kg đối với kỳ hạn giao trong quý II; giá ngô dao động quanh mức 8.000-8.400 đồng/kg, giảm khoảng 50-100 đồng/kg so với đầu tuần trước. Tuần này có thể sẽ là thời điểm hợp lý cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu khi dự báo khô hạn ở Nam Mỹ sẽ được cải thiện từ đó giúp giá nông sản tiếp tục hạ nhiệt.

Theo Báo Chinhphu.vn

Rate this post
error: Content is protected !!