EC mở rộng kết nối trong lĩnh vực nông nghiệp

Bộ NN&PTNT vừa có cuộc làm việc với đoàn công tác của Tổng cục đối tác quốc tế, Uỷ ban châu Âu (EC). Mục tiêu chính của chuyến công tác của đoàn tại Việt Nam là chia sẻ về việc triển khai Chiến lược cửa ngõ toàn cầu, với trọng tâm tập trung vào kết nối toàn cầu, kết nối bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

EC quan tâm đến chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị gia tăng – Ảnh minh họa

>>> Xem thêm: Lễ công bố Thương hiệu Số 1 Việt Nam 2024

Chiều 30/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với bà Myriam Ferran, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục đối tác quốc tế, Uỷ ban châu Âu.

Trong chuyến công tác tới Việt Nam, bà Myriam Ferran và phái đoàn đã chứng kiến việc triển khai thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng xanh tại tỉnh Ninh Thuận để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Bà Myriam Ferran cho biết, một trong những mục tiêu chính của chuyến công tác lần này là chia sẻ về việc triển khai Chiến lược cửa ngõ toàn cầu, với trọng tâm tập trung vào kết nối toàn cầu, kết nối bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

Theo bà Ferran, EC cũng quan tâm đến chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị gia tăng, trong đó các sản phẩm liên quan có thể đóng góp vào giảm phát thải, chống lại tác động của biến đổi khí hậu. EC có 2 dự án đang phối hợp với Bộ NN&PTNT để triển khai là dự án lâm nghiệp và chuyển đổi sinh thái nông nghiệp thông minh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, để đáp ứng các sáng kiến của EU về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Quy định chống mất rừng (EUDR), hay an toàn thực phẩm… ngành nông nghiệp Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi từ cấu trúc bên trong, từ đó đồng nhịp với sự thay đổi của hành tinh xanh và xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm trách nhiệm, bền vững.

Về phát triển bền vững rừng, Bộ NN&PTNT đánh giá cao EU đã hỗ trợ ngành nông nghiệp trong thực thi VPA/FLEGT với mục tiêu cải thiện quản trị rừng và khung pháp lý quy định các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Về quy định EUDR, Bộ đã thành lập nhóm kỹ thuật làm việc với đối tác EU tại Việt Nam và đệ trình Thủ tướng Chính phủ chương trình hành động để thích ứng với 3 sản phẩm đầu tiên là cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam tích cực tham gia EUDR với sự chủ động, không ngần ngại dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của EU. Bộ trưởng hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tiếp cận về mặt kỹ thuật để các sản phẩm liên quan đến EUDR từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU được thuận lợi hơn.

Chia sẻ với bà Ferran, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sự phát triển bền vững ngành thuỷ sản đã được cải thiện nhiều. Vấn đề liên quan đến IUU, Bộ trưởng đề nghị EU hỗ trợ trong vấn đề nuôi biển. “Với 3 trụ cột của ngành thuỷ sản là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, chúng tôi cần các tư vấn kỹ thuật”, Bộ trưởng cho biết.

>>> Xem thêm: Chương trình Thương Hiệu Nổi Tiếng Quốc Gia năm 2024

Về đề xuất này, bà Ferran cho biết EC sẽ xem xét cử cán bộ cùng thảo luận với phía Bộ NN&PTNT để cụ thể hoá ý tưởng hoặc đưa vào hợp phần của các dự án hiện hữu đang triển khai.

Bà Ferran chia sẻ định hướng của EC về việc tạo tác động tối đa trong các hoạt động dự án triển khai tại Việt Nam theo cách tiếp cận nhóm châu Âu, trong đó các nước thành viên cùng làm việc và mời các đối tác là ngân hàng trong khối cấp vốn.

“Chúng tôi không chỉ hợp tác với các quốc gia thành viên châu Âu mà còn trong khuôn khổ G7 và cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP để tăng cường tác động trong hợp tác giữa EC với quốc gia đối tác, huy động nguồn lực, đóng góp vào chuyển đổi năng lượng, tạo sự bù đắp tổn thất về mặt xã hội trong quá trình chuyển đổi này”, bà Ferran cho biết.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định trong quá trình thay đổi thể chế hướng tới hội nhập, các tổ tư vấn kỹ thuật đã làm việc với phái đoàn châu Âu tại Việt Nam từ luật thuỷ sản, quản lý ngành lâm, ngư nghiệp, phía Việt Nam đã tiếp thu sáng kiến, khuyến cáo, khuyến nghị của phía EU và đề nghị hai bên tiếp tục làm việc, phối hợp hiệu quả.

Bộ trưởng đề xuất phía EC tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam trong phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển nền kinh tế xanh dương, trong đó đặc biệt quan tâm đến nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, thân thiện với môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề xuất bà Myriam Ferran lưu ý nội dung về thích ứng với các quy định của EU, trong đó có Quy định EUDR, chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, bao trùm và chống chịu; và hỗ trợ hợp tác nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số.

Nguồn: Thông tin chính phủ

Rate this post
error: Content is protected !!