Bình Định cần phát triển du lịch đẳng cấp cao, là điểm đến toàn cầu, hàng đầu châu Á, từ đó có những chiến lược dài hạn về phát triển kinh tế đêm, du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa và liên kết vùng trọng điểm.
Đó là ý kiến đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Bình Định trong tình hình mới” do tỉnh Bình Định tổ chức tại TP. Quy Nhơn sáng 29/4.
Phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng trong những năm qua, Bình Định dành nhiều quan tâm cho phát triển du lịch, bước đầu đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc thù ngày càng có sức thu hút và lan tỏa, TP. Quy Nhơn được bình chọn là thành phố du lịch sạch ASEAN 2020.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại như sản phẩm du lịch chưa đa dạng, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đa số quy mô nhỏ, công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn hạn chế.
Nhằm phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020-2025, theo TS Nguyễn Lê Phúc, Bình Định trước hết cần tập trung một số giải pháp cụ thể, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, tập trung xây dựng môi trường du lịch “xanh” đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022.
“Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường. Tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón tiếp và phục vụ khách, chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực du lịch và phương án sẵn sàng bảo đảm du lịch an toàn, hiệu quả.
Chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch theo xu hướng mới. Tăng cường hiệu quả trong việc liên kết Bình Định – Phú Yên – Quảng Ngãi – Gia Lai, liên kết Bình Định với Hà Nội, TPHCM và các tỉnh trọng điểm miền Trung.
“Triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam – an toàn, hấp dẫn” và chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau giai đoạn COVID-19, giúp doanh nghiệp giảm giá thành tour, kích cầu du lịch, lữ hành”, TS Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Không thể “ăn xổi ở thì”
Về vấn đề làm thế nào để du lịch Bình Định thực sự là một trong năm trụ cột tăng trưởng kinh tế, TS Trần Du Lịch chia sẻ 3 góp ý: Thứ nhất, cần thấy hết tiềm năng và lợi thế mà thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của miền đất võ trời văn ban tặng cho Bình Định để khai thác du lịch. Thứ hai là phát triển du lịch theo tính chất của một cụm ngành được công nghiệp hóa. Cần đặt mục tiêu đưa Quy Nhơn – Bình Định thành điểm đến du lịch châu Á với tầm nhìn toàn cầu để thu hút đầu tư và phát triển đúng tầm. Thứ ba là cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết bài toán về nhân lực.
“Những năm tới, xét trên nhiều yếu tố Bình Định có nhiều cơ hội để tăng tốc phát triển, trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên; một thị trường du lịch mới nổi đầy tiềm năng. Tuy nhiên, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách và giải pháp phát triển với tầm nhìn dài hạn. Du lịch không thể sống chung với cách làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì” và kinh doanh theo kiểu nghiệp dư. Do đó, việc thu hút các tập đoàn du lịch hàng đầu thế giới, những tập đoàn quản lý khách sạn và các resort tên tuổi sẽ là cú hích để đưa du lịch Bình Định lên tầm quốc tế”, TS Trần Du Lịch lưu ý.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Bình Định cần có tầm nhìn dài hạn trong chiến lược phát triển du lịch. “Bình Định cần xác lập chân dung du lịch đẳng cấp cao, là điểm đến toàn cầu, hàng đầu châu Á. Để hướng đến mục tiêu này, tỉnh cần tập trung xây dựng các tuyến phố du lịch trung tâm và phát triển kinh tế đêm, phát triển khu du lịch Hải Giang, chiến lược phát triển du lịch gắn liền với văn hóa. Liên kết phát triển du lịch duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, trọng tâm là tiểu vùng Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên-Gia Lai-Kon Tum với Bình Định đóng vai trò chức năng là trung tâm văn hóa hội tụ và lan tỏa”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, trước mắt tập trung khai thác tốt các thị trường đã khôi phục kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã có chính sách nới lỏng hoặc mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch, cho phép công dân đi du lịch nước ngoài. Cụ thể như Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và chuẩn bị kế hoạch xúc tiến thị trường Trung Quốc khi điều kiện cho phép, Tây Âu và Bắc Âu đã được miễn visa đơn phương, Australia, New Zealand và Đông Nam Á, Bắc Mỹ và Ấn Độ.
Xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Bình Định gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc. Khai thác, phát huy giá trị tại một số di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu gắn kết với các hoạt động du lịch. Khai thác thế mạnh ẩm thực đặc trưng, đa dạng. Hình thành các tuyến du lịch gắn với điểm đến là các võ đường, làng nghề truyền thống; các di tích lịch sử – văn hóa, di tích về phong trào Tây Sơn; hệ thống tháp Chăm… Phát triển các điểm biểu diễn nghệ thuật tuồng, bài chòi dân gian, võ cổ truyền Bình Định, các chương trình trình diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Viettravel.
(Baochinhphu.vn)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!