CỨU HỘ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT TẠI THỔ NHĨ KỲ: Quốc tế đánh giá cao sự chuyên nghiệp, nhiệt tình của Đoàn cứu hộ Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Âu, ngày 12/2, mặc dù mới bước sang ngày thứ hai tham gia công tác cứu nạn cứu hộ tại thành phố Adiyaman của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của các thành viên đoàn cứu nạn cứu hộ Việt Nam đã được các lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế đánh giá cao.

Sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của các thành viên đoàn cứu nạn cứu hộ Việt Nam đã được các lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế đánh giá cao.

Xem thêm >>> MỜI ĐĂNG KÍ THAM DỰ LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU MẠNH VIỆT NAM 2023 TẠI TP.HCM

Khi gặp các thành viên của đoàn, những người dân địa phương luôn để tay phải lên ngực trái để thể hiện sự cảm động và biết ơn đối với những lực lượng cứu nạn cứu hộ của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), Trưởng đoàn công tác, chia sẻ rằng công tác của đoàn cứu nạn cứu hộ Việt Nam tại Thổ nhĩ Kỳ hiện đang thực hiện theo hướng sử dụng các thiết bị chuyên dụng được mang từ Việt Nam sang.

Đó là những thiết bị khoan cắt bê tông, thiết bị dò tìm nạn nhân bằng sóng radar, cũng như thiết bị dò tìm nạn nhân bằng camera và âm thanh.

Đoàn cũng đang đồng thời kết hợp với các phương tiện cơ giới hiện có tại địa phương như máy xúc, máy cào, máy cẩu để phục vụ việc di dời, phá vỡ những tấm bê tông tại những khu vực có người bị nạn.

Về những thuận lợi và khó khăn khi tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn một thảm họa thiên tai nghiêm trọng, xảy ra ở rất xa lãnh thổ Việt Nam, Đại tá Nguyễn Minh Khương nêu rõ rằng khi sang Thổ Nhĩ Kỳ về cơ bản, đoàn công tác cứu nạn cứu hộ của Việt Nam có được nhiều thuận lợi, được sự hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn cụ thể của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đơn vị tình nguyện của nước sở tại. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn nhất định liên quan đến điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt so với tại Việt Nam.

Thời tiết ban ngày tại khu vực cứu trợ đối với anh em cán bộ, chiến sĩ không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, ban đêm quả là một thách thức vì nhiệt độ xuống tới âm 6 – âm 7 độ C, trong khi các cán bộ, chiến sĩ phải ngủ trong lán trại dựng ngoài trời. 

Ngoài ra, bất đồng ngôn ngữ cũng là một yếu tố gây khó khăn cho việc hiểu và thống nhất những phương án đưa ra của các lực lượng phối hợp với nhau.

Tuy nhiên, các lực lượng phối hợp tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các lực lượng quốc tế tham gia cứu nạn cứu hộ đều có tinh thần chung, nên chỉ sau một thời gian rất ngắn, tất cả đều hiểu nhau và phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Điều khiến các thành viên trong đoàn công tác rất vui là phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đoàn quốc tế tham gia công tác cứu nạn cứu hộ cùng đoàn Việt Nam đều đánh giá rất cao sự nhiệt tình và sự chuyên nghiệp của các lực lượng cứu nạn cứu hộ Việt Nam.

Tất cả thể hiện ở việc đoàn Việt Nam sử dụng hiệu quả các thiết bị chuyên dụng, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt là sự chuyên nghiệp trong sử dụng các thiết bị banh, cắt thủy lực, tìm kiếm bằng camera hình ảnh và âm thanh, sử dụng các thiết bị liên quan đến kích, nâng để có thể tách những khối bê tông để phục vụ cho việc cứu nạn cứu hộ. 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai phối hợp cùng nhiều quốc gia khác và đã giải cứu được nhiều nạn nhân ngay trong ngày công tác đầu tiên.

Đoàn công tác cứu nạn cứu hộ Việt Nam hiện tiếp tục thực hiện đào bới, tìm kiếm dưới các đống đổ nát, các tòa nhà bị sập để tìm, giải cứu người mắc kẹt trong thảm họa động đất ngày 6/2.

 Lo ngại nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau thiên tai

Ngày 12/2 ghi dấu ngày thứ 6 các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn triển khai chiến dịch tại 10 tỉnh chịu ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 7,8 tại Thổ Nhĩ Kỳ và hy vọng tìm kiếm người sống sót ngày càng mong manh. 

Ít nhất 160.000 người, bao gồm cả các nhân viên cứu hộ nước ngoài, đang tìm kiếm người mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm lây lan sau động đất, đặc biệt là các bệnh phát sinh do thực phẩm và nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. 

Liên Hợp Quốc cho biết có tới 5,3 triệu người tại Syria mất nhà cửa sau trận động đất, trong khi có gần 900.000 người tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần thực phẩm.

Trước những khó khăn mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phải đối mặt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gửi 35 tấn hàng cứu trợ tới thành phố Aleppo, phía Bắc của Syia trong khi Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng tới thành phố này, thăm các nạn nhân nhập viện, các khu tạm trú và các địa điểm bị tàn phá sau động đất.

Truyền thông Syria đưa tin chính phủ nước này đã cho phép chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới các khu vực ảnh hưởng hiện thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập. 

Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến mở thêm 2 tuyến đường cứu trợ mới đến các địa phương này của Syria.

Xem thêm >>>  MỜI ĐĂNG KÍ THAM DỰ LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU MẠNH ASEAN 2023 TẠI MALAYSIA

Người đứng đầu WHO ủng hộ việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria trong 180 ngày để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả thiên tai.

Rạng sáng 6/2, trận động đất độ lớn 7,8 có tâm chấn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã gây thiệt hại lớn tại nước này và nước láng giềng Syria. Tính đến 16h ngày 12/2 (giờ Việt Nam), trận động đất này đã cướp đi sinh mạng của hơn 29.000 người tại cả hai nước, trong đó có 24.617 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và  hơn 4.500 người tại Syria, trong khi có hàng chục nghìn người bị thương./.

Theo Báo Chinhphu.vn

Rate this post
error: Content is protected !!