TPHCM đón năm Nhâm Dần 2022 trong bối cảnh vừa trải qua một năm nhiều biến động và khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ nhân dịp đầu xuân, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, nhận định đúng thực tiễn, có những giải pháp phù hợp sẽ là cơ sở để thành phố thực hiện thành công kế hoạch đặt ra cho năm 2022.
Năm 2021, một năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà chúng ta nói rằng chưa từng có tiền lệ. Nhìn lại thời gian vừa qua, xin ông cho biết một vài cảm nhận?
Chủ tịch UBNDP TPHCM Phan Văn Mãi: Ở thời khắc này, để nói về năm 2021, trước hết, tôi phải thay mặt Đảng bộ, chính quyền Thành phố, một lần nữa chân thành cảm ơn người dân đã đồng lòng chia sẻ, ủng hộ, hợp tác với chính quyền trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.
Năm vừa qua, TPHCM phải đối mặt rất nhiều khó khăn và những thử thách to lớn trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội. Chúng ta đã chứng kiến những đau thương, mất mát của đồng bào, những hy sinh, tổn thất của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên, của đội ngũ cán bộ công chức… Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến những biểu hiện hết sức sâu sắc của tinh thần sáng tạo, lòng nhân ái, tình đoàn kết nghĩa đồng bào qua nhiều việc làm, hành động thiết thực và cụ thể ở từng con hẻm nhỏ, từng khu nhà trọ, từng bệnh viện dã chiến của Thành phố. Đảng bộ và chính quyền Thành phố trân trọng cảm ơn và khắc ghi những tình cảm quý báu, sự quan tâm, giúp đỡ chí tình của các cấp lãnh đạo, của nhân dân cả nước, của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế dành cho Thành phố.
Khép lại năm 2021, TPHCM đã kiểm soát được dịch COVID-19. Nhiều khó khăn nhưng thành phố cũng đã đạt một số thành tựu, điểm sáng như thu ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu… Một số lực lượng, lĩnh vực có bước trưởng thành vượt bậc. Dù chỉ đạt gần 50% những chỉ tiêu lớn đề ra nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, thính quyền và người dân Thành phố!
Ông đánh giá như thế nào về 3 tháng mở cửa, khôi phục lại sản xuất và đời sống trên địa bàn?
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Sau hơn ba tháng phục hồi, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát và ngày càng cải thiện tốt hơn; các hoạt động kinh tế xã hội, đời sống người dân cơ bản đã đạt trạng thái bình thường mới. Sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp phục hồi 100%; ngoài khu công nghiệp đạt trên 90%; hoạt động dịch vụ phục hồi trên 70%; trường học, bệnh viện hoạt động đạt 70% so với trước dịch. Các nỗ lực phục hồi kinh tế đang được triển khai tập trung gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2022.
Xem thêm >>> 10 BƯỚC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU THÔNG QUA MẠNG XÃ HỘI ĐỂ THÀNH CÔNG HẬU COVID-19
Thành phố xác định năm 2022 là năm tập trung cho các nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế. Ông có thể chia sẻ một số việc mà Thành phố sẽ làm để thực hiện nhiệm vụ này?
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Nghị quyết 128 của Chính phủ thể hiện tư tưởng rất rõ là thích ứng an toàn, sống trong điều kiện có dịch, phải kiểm soát được dịch. Trên cơ sở đó, TPHCM xác định chủ đề cho năm 2022 là năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Với chủ đề này, Thành phố xác định kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư nhằm khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển Thành phố.
Năm nay, TPHCM đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6-6,5%; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động…
Có thể nói, việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,78% vào năm 2021 lên 6-6,5% vào năm 2022, chỉ sau 1 năm, là nhiệm vụ rất khó khăn. Để kinh tế phục hồi và phát triển, điều quan trọng mà Thành phố phải tập trung là tháo mở và hội tụ được các nguồn lực. Thành phố cũng xác định thúc đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, tạo ra sự lan tỏa, thu hút đầu tư xã hội.
Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ cho được những vướng mắc ở các dự án đầu tư cả trong đầu tư công và đầu tư tư nhân, huy động các nguồn lực xã hội vào công cuộc phục hồi kinh tế.
Ông vừa nói, để tạo đà kinh tế phục hồi và phát triển trong năm 2022 thì cần khơi thông các nguồn lực. Đó là những nguồn lực nào?
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025, Thành phố đã xác định rõ năm nguồn lực.
Thứ nhất, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính từ các chính sách, các gói phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và khôi phục nền kinh tế.
Thứ hai, rà soát toàn bộ các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng để phân loại đâu là nhà, đất thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý và nhà, đất không thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 67 năm 2021 của Chính phủ để tổ chức khai thác nguồn thu.
Thứ ba, kiên trì kiến nghị Trung ương bố trí vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất thúc đẩy các động lực tăng trưởng, kết nối liên kết vùng, đề xuất Trung ương tăng thêm vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố phù hợp với nguồn vốn và khả năng cân đối của Thành phố.
Một tin vui, ngày 24/1 vừa qua, trên cơ sở báo cáo của UBND Thành phố và ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đầu tư công đối với đường Vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ dự án quan trọng này.
Thứ tư, huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư… và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế.
Thứ năm, tiếp tục kiến nghị Chính phủ ban hành bổ sung gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có quan tâm đến các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Gần 2 năm phát triển trong bối cảnh dịch bệnh ở các cấp độ khác nhau, có thể nói rằng, quãng thời gian ấy, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn gặp muôn vàn khó khăn. Chính quyền Thành phố thấu hiểu rằng, lúc này các doanh nghiệp đang rất cần sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Đồng thời cũng xác định để đồng hành thì các chính sách đi cùng phải thiết thực, tạo được động lực, thúc đẩy sự phục hồi, phát triển, nhất là những chính sách, giải pháp cấp thiết như hỗ trợ về tín dụng; tổ chức lại sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số…
Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo baochinhphu.vn)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!