Chính sách phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp

Để có những chính sách phát triển ĐBSCL hiệu quả, các địa phương cần tìm hiểu những khó khăn thực tại của doanh nghiệp và những sáng kiến từ cộng đồng, từ đó cùng nhau hợp tác, cùng nhau tư duy để tìm mô hình phát triển mới.

Chiều 1/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo chính sách phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp.

Tìm mô hình phát triển mới cho ĐBSCL

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá: “Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2021 sẽ là cơ sở dữ liệu, thông tin quan trọng để tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong việc định hướng, hoạch định chính sách đầu tư phát triển vùng ĐBSCL”.

Xem thêm >>> Chương trình vinh danh Thương Hiệu Nổi Tiếng Đất Việt Năm 2022

ĐBSCL đang trong giai đoạn chuyển mình để bước sang thời kỳ mới trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, kinh tế suy thoái và đặc biệt là sự tác động của BĐKH. Các địa phương và doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi kinh tế, tìm kiếm nguồn lực cho phát triển…

Nếu không tập hợp được nguồn lực, chắc chắn ĐBSCL sẽ khó phát triển như kỳ vọng – Ảnh: VGP/Huy Thắng

Ông Võ Tân Thành cho rằng, để các Nghị quyết quan trọng được triển khai, bản Quy hoạch tích hợp ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được nhanh chóng thực thi, đòi hỏi các địa phương trong vùng cần định hình lại mô hình phát triển. Theo đó, các chính sách đi kèm cần được xây dựng một cách đầy đủ, mang tính thực tiễn để nắm bắt cơ hội phát triển mới.

Để có những chính sách hiệu quả, các địa phương cần tìm hiểu những khó khăn thực tại của doanh nghiệp và những sáng kiến từ cộng đồng, từ đó cùng nhau hợp tác, cùng nhau tư duy để tìm mô hình phát triển mới…

Bên cạnh đó, những kinh nghiệm quốc tế và các nguồn lực từ bên ngoài rất cần được tận dụng để các địa phương khai thác tối đa những tiềm năng, thích ứng với thách thức và tiếp cận cơ hội đang đến. Từ khi Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời năm 2017, các tổ chức quốc tế lớn như World bank, Quỹ Châu Á, GIZ, USAID, UNDP; Đại sứ quán Australia, Hoa Kỳ… đã đóng vai trò quan trọng là đối tác phát triển, là nhà tài trợ vốn ODA và hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả đã giúp cho ĐBSCL tiếp cận nhiều cơ hội phát triển mới. Nếu không tập hợp những nguồn lực này, chắc chắn ĐBSCL sẽ khó phát triển như kỳ vọng.

“Những kết quả ghi nhận tại hội thảo sẽ được VCCI tập hợp, báo cáo Đảng, Chính phủ để có những chỉ đạo kịp thời, đồng thời sẽ kiến nghị các bộ, ngành, các cơ quan liên quan cấp tỉnh để xây dựng, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển của vùng”, đại diện VCCI nói.

Khắc phục điểm nghẽn

Với vai trò chủ trì xây dựng báo cáo kinh tế Vùng ĐBSCL, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright cho biết: “4 trụ cột trong mô hình phát triển ĐBSCL là kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường. Trong đó, đối với lĩnh vực kinh tế, cần tập trung khắc phục các điểm nghẽn cơ bản như cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, liên kết sản xuất, kết nối với thị trường cao cấp hơn, kết nối số, chuyển đổi số…TS Vũ Thành Tự Anh cũng đưa ra một số quan điểm chính về mô hình phát triển phù hợp cho ĐBSCL gồm: Hài hòa kinh tế – xã hội – môi trường; Từng bước chuyển đổi thứ bậc ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh; từ lúa gạo – thủy sản – trái cây sang thủy sản – trái cây – lúa gạo cho vùng; Chú trọng chất lượng và giá trị hơn số lượng; Nước mặn, nước lợ chứ không chỉ nước ngọt đều là tài nguyên quý báu; tháo gỡ các nút thắt phát triển…Trao đổi tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp cần phải thay đổi tư duy “sản lượng đứng nhất nhì thế giới” bằng tư duy mới. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu muốn phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi quan niệm và cấu trúc dựa trên việc phát triển những giá trị khác ngoài sản lượng. Về khía cạnh kinh tế học, sản lượng nhiều nhất không đồng nghĩa với tăng trưởng cao nhất.

“Những năm gần đây GDP đóng góp của ngành nông nghiệp tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng theo nên giá trị gia tăng bị giảm đi, thu nhập trực tiếp của người nông dân không đồng hành với sự tăng trưởng của ngành. Đó là điều mà chúng ta cần lưu ý. Đồng thời, cần định vị lại những giá trị cối lõi, tiếp cận xu thế tại tất cả những ngành hàng. Chiến lược đó phải hướng đến sự tăng trưởng bao trùm, không chỉ gói gọn cụ thể là bao nhiêu phần trăm mà còn phải tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho bao nhiêu người, phải làm sao để cả xã hội cũng như người nông dân được thụ hưởng sự phát triển của ngành nông nghiệp”, tư lệnh ngành nông nghiệp lưu ý.

TS Michael DiGregorio-Trưởng đại diện Quỹ châu Á cho rằng, ĐBSCL có thể khai thác tiềm năng to lớn gồm năng lượng mặt trời (ĐMT), năng lượng gió và năng lượng sinh khối suốt năm, phát nhiệt và điện năng lượng mặt trời: Cần Thơ có khoảng 2.300 giờ nắng bằng khoảng 2.000 kWh/m2 mỗi năm. Lượng này là đủ để các hệ thống điện mặt trời áp mái cung cấp năng lượng cho hộ gia đình hoặc các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là sự quan tâm của nhà đầu tư và nhu cầu thị trường đang đi trước hệ thống quy định cũng như quy chuẩn. Các cơ quan quản lý đang nỗ lực theo kịp tình hình và chịu rất nhiều áp lực trách nhiệm. Một số lĩnh vực, như điện gió ngoài khơi sẽ cần thời gian dài mới có thể hoàn thiện được khuôn khổ và tiêu chuẩn quản lý…

TS Michael DiGregorio nêu điểm nghẽn: khi các dự án ĐMT được xây dựng chưa có quy định chuyên môn cho ĐMT. Các nhà đầu tư được yêu cầu phải tuân thủ quy định về an toàn cháy nổ và khả năng chịu tải của mái nhà. Có nhiều trường hợp hồ sơ xin cấp phép xây dựng và phòng cháy chữa cháy đều bị từ chối vì các cơ quan quản lý không có hướng dẫn cụ thể.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực, lãnh đạo Đại học Cần Thơ đề xuất: Rà soát quy hoạch tổng thể và hỗ trợ đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống các Viện, Trường Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp nghề – trọng điểm đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương và vùng. Các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp nghề cần tăng cường phát huy và không ngừng đổi mới trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng, theo hướng đáp ứng nhu cầu về ngành nghề, trình độ, số lượng và chất lượng cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Trong đó, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, thủy sản, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, logistics, du lịch… với chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc gia và quốc tế.

Theo Báo Chinhphu.vn

Rate this post
error: Content is protected !!