Cập nhật các mô hình, phương pháp quản lý an toàn thực phẩm hiện đại

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Ban Chỉ đạo), sáng 3/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu phải bám sát tình hình thực tế, cập nhật phương pháp, mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đi đôi với tăng cường bảo đảm điều kiện, nguồn lực thực thi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được tiếp cận liên ngành, từ sớm, từ xa, trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, dựa trên nghiên cứu, đánh giá, dự báo độc lập, khoa học – Ảnh: VGP/MK

>>> MỜI THAM DỰ GALA “TẾT DOANH NHÂN TIÊN PHONG” LẦN XII – XUÂN GIÁP THÌN 2024

Vi phạm an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau

Năm 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng.

Toàn ngành y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó, hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỷ đồng.

Ngành công thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 7.100 vụ với hơn 7.000 đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 31 tỷ đồng…

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đẩy mạnh, tăng cường liên tục về số lượng, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, thực hiện thường xuyên, liên tục. Ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ngày càng được nâng lên. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.

Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum (độc tố rất hiếm gặp).

Cùng với kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế, như: Sau 13 năm thực hiện, nhiều nội dung quy định của Luật An toàn thực phẩm không còn phù hợp với thực tiễn; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP còn nhiều điều bất cập về quy định kiểm soát thực phẩm xuất khẩu, đăng ký bản công bố, điều kiện về an toàn thực phẩm tại các chợ và làng nghề… Quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trên môi trường internet, thương mại điện tử còn khó khăn…

Thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phải chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, đồ uống – Ảnh: VGP/MK

>>> MỜI THAM DỰ GALA CHÀO XUÂN 2024: “CHẮP CÁNH THƯƠNG HIỆU VIỆT” TẠI HÀ NỘI

Lập cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Nhấn mạnh nguy cơ mất an toàn thực phẩm đang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị, phải khắc phục tình trạng phân công trách nhiệm chưa rõ ràng trong quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, nhất là cấp xã, phường; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm ngay tại thời điểm bắt đầu các lễ hội lớn, kết hợp tuyên truyền mạnh mẽ; xây dựng ngay cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, làm cơ sở để xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm…

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, hành lang pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm đã đầy đủ, nhưng vẫn thiếu mô hình, tổ chức triển khai hiệu quả, sát với thực tế.

“Tại TPHCM hiện có 230.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tự công bố chất lượng, nên công tác thanh tra, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn, thiếu điều kiện đảm bảo hoạt động”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng nêu thực tế: Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm được tổ chức từ Trung ương xuống đến cấp quận, huyện, nhưng tại xã, phường chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, còn việc thanh tra, kiểm tra là các đoàn liên ngành được thành lập theo thời điểm, thiếu chuyên môn sâu. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm cũng phải tuân theo tinh thần hậu kiểm, không làm phiền doanh nghiệp, cơ sở, người dân.

Bà Trần Thị Nhị Hà kiến nghị, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ về an toàn thực phẩm liên thông trên toàn quốc, có sự tham gia, phản ánh trực tiếp của người dân kết hợp với cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thanh Nam cho biết, năm vừa qua, Bộ tăng cường triển khai, kết hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, nhất là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh trong chuỗi nuôi trồng, sơ chế, chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Theo đại diện Bộ Công Thương, những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực quản lý của Bộ là kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp, truy xuất nguồn gốc hàng hoá trên sàn giao dịch điện tử, tiêu huỷ hàng hoá, động, thực vật gây dịch bệnh…

Cùng với việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt, một số thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, đồ uống, nhất là việc nhận biết, ứng xử đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Đây không chỉ là vấn đề sức khoẻ của từng người, mà còn liên quan đến chất lượng giống nòi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân đối với sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Đỗ Đức Hoàng cho rằng, cần thay đổi phương thức truyền thông từ phản ánh hiện tượng sang đi sâu phân tích nguyên nhân của các vi phạm, đề xuất giải pháp.

Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023 sắp tới – Ảnh: VGP/MK

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn tiếp cận, hài hoà với quốc tế

Kết luận cuộc họp, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá: Tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đáng báo động. Nhiều hình thức sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, quảng cáo thực phẩm mới xuất hiện hết sức phức tạp, đa dạng, đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm của các bộ, ngành, địa phương.

“Công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được tiếp cận liên ngành, từ sớm từ xa, trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, dựa trên nghiên cứu, đánh giá, dự báo độc lập, khoa học; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người tiêu dùng thông thái”, Phó Thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động về an toàn thực phẩm; phải bám sát tình hình thực tế, cập nhật phương pháp, mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đi đôi với tăng cường bảo đảm điều kiện, nguồn lực thực thi.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần đổi mới phương thức, hình thức truyền thông đa dạng, thường xuyên nhằm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở, người dân về các kiến thức an toàn thực phẩm; cũng như có các đợt cao điểm, các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng.

“Các cơ quan truyền thông cần có các hình thức để người dân tham gia giám sát, đánh giá mức độ tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh, từ đó cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra, công bố”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Mỗi bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ phải tăng cường quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm; tập trung thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực gây ảnh hưởng tác động lớn đến sức khoẻ con người; chủ động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn tiếp cận, hài hoà với quốc tế.

“Các bộ, ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đăng ký công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh từ sự giám sát của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội và người dân đối với việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh yêu cầu hiện đại hoá công tác thanh tra, kiểm tra, cập nhật những vấn đề mới phát sinh, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động về an toàn thực phẩm…; tham mưu, đề xuất phương án nâng cao năng lực công nghệ, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về án toàn thực phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm toàn quốc, liên thông với các bộ ngành, liên địa phương;…

Bộ TT&TT chịu trách nhiệm xử lý đối với các vi phạm về an toàn thực phẩm trên các nền tảng thương mại xuyên biên giới.

Bộ Công Thương quản lý an toàn thực phẩm đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, ban hành quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm, môi trường đối với chợ truyền thống, siêu thị…

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên,…) chủ động tham gia vào các phong trào nâng cao nhận thức, cũng như giám sát việc tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm…

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023 sắp tới.

Nguồn: Báo chính phủ

Rate this post
error: Content is protected !!