Bộ VHTTDL đồng ý Bình Thuận đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023

Đề xuất đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia, tỉnh Bình Thuận đã thể hiện rõ quyết tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Đồng thời, thể hiện sự “đi tắt, đón đầu” của tỉnh trong giai đoạn, xu thế phát triển mới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng ý để Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023. Ảnh: VGP

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về đề xuất của tỉnh đối với việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc.

Bình Thuận quyết tâm cao đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: “Ngoài hệ thống giao thông dọc bờ biển, kết nối các điểm du lịch ven biển với các đô thị, tạo sự thuận lợi cho phát triển du lịch nói riêng và kinh tế Bình Thuận nói chung, Trung ương cũng đã thống nhất hỗ trợ Bình Thuận sớm hoàn thành một số dự án hạ tầng lớn như: đường cao tốc, đường ven biển đoạn đi qua địa bàn tỉnh, cảng hàng không Phan Thiết. Tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn, không ngừng đa dạng sản phẩm du lịch”.

Toàn tỉnh hiện có 600 cơ sở lưu trú với gần 18.000 phòng; 400 cơ sở ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… Nhiều dự án du lịch quy mô lớn khác đang hoạt động như: Sea Links Beach Hotel, Anantara Mui Ne beach resort, Princess d’ Ân Nam resort, Novaworld Phan Thiết, Centara Mirage resort, Apec Mandala Wyndham Mũi Né…

Lao động trong toàn ngành Du lịch của Bình Thuận hiện nay có khoảng 22.300 người; tỉ lệ lao động đã qua đào tạo bồi dưỡng đạt khoảng 70%-80%, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ khách. Tuy nhiên, để phát triển trong tương lai và tổ chức Năm Du lịch quốc gia cần phối hợp để thu hút thêm nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Theo đề xuất của tỉnh Bình Thuận, Năm Du lịch quốc gia sẽ có chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, với 25 sự kiện chính do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh tổ chức; các sự kiện do các địa phương hưởng ứng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, qua 18 năm thường niên tổ chức, được sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, nỗ lực của các địa phương đăng cai tổ chức, tham gia vào cuộc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp các Năm Du lịch quốc gia đã được tổ chức khá thành công. Các chương trình, sự kiện thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông, khách du lịch trong nước và quốc tế cũng như nhân dân cả nước. Thông qua các sự kiện du lịch, văn hóa và thể thao của các Năm Du lịch quốc gia, hoạt động kinh doanh du lịch được phát triển gắn với bảo tồn và khai thác văn hóa bản địa và tài nguyên tự nhiên.

Thông qua Năm Du lịch quốc gia, diện mạo của các địa phương đăng cai tổ chức đã thay đổi tích cực, sản phẩm du lịch cũng vì thể được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Năm Du lịch quốc gia cũng góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng lượng khách tới các địa phương.

Bên cạnh đó, việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia cũng góp phần nâng cao vai trò của du lịch trong lan tỏa phát triển kinh tế xã hội địa phương, thu hút đầu tư quảng bá du lịch, nâng cao nhận thức, tăng cường liên kết, thu hút sự vào cuộc cả các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tư nhân.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia không chỉ dừng ở hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội mà cần tăng cường hoạt động chuyên môn mang đậm yếu tố kinh tế du lịch và đầu tư, đặc biệt phải thu hút sự vào cuộc của các doanh nghiệp và điểm đến; các sự kiện luôn gắn với du lịch MICE, những sự kiện quốc tế có sức ảnh hưởng và lan tỏa khu vực và toàn cầu.

Xem thêm >>> Bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng hành với Bình Thuận để vượt qua khó khăn, chuẩn bị tốt các nội dung, hoạt động, tổ chức các sự kiện xứng tầm quốc gia. Ảnh: VGP

Bình Thuận cần bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị Năm Du lịch quốc gia 2023

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng Bình Thuận đã rất nhất quán trong chỉ đạo và quyết tâm cao để đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Qua việc tỉnh này coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột kinh tế lớn của tỉnh thể hiện tỉnh đã xác định rõ tiềm năng, thế mạnh và có hướng đi lâu dài để phát triển du lịch.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng ý để Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 và đề nghị tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, tiếp tục phát huy điểm mạnh, khắc phục khó khăn, thu hút đầu tư để có hạ tầng du lịch đồng bộ. 

Đặc biệt là phải xác định được thế mạnh và thương hiệu của du lịch Bình Thuận. Đồng thời, có sự tham gia vào cuộc của các cấp, ngành; sẵn sàng đầu tư, khai thác các thế mạnh sâu hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng hành với Bình Thuận để vượt qua khó khăn, chuẩn bị tốt các nội dung, hoạt động, tổ chức các sự kiện xứng tầm quốc gia. Các sự kiện đó phải góp phần quảng bá hình ảnh Bình Thuận nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung; có tính kết nối liên vùng như với các tỉnh duyên hải miền Trung, TP.HCM và các tỉnh thành khác trên cả nước… chứ không phải là sự kiện đơn lẻ của tỉnh. 

Ngoài việc kêu gọi các nguồn lực, xã hội hóa để tổ chức thành công sự kiện Năm Du lịch quốc gia, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Du lịch và các đơn vị liên quan của Bộ phối hợp với tỉnh Bình Thuận thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia; sớm hoàn thiện Đề án, Kế hoạch tổ chức Năm Du lịch quốc gia.

Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Du lịch phối hợp, hướng dẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận hoàn thiện hồ sơ, văn bản theo quy định và triển khai các hoạt động liên quan trong Năm Du lịch quốc gia 2023, bảo đảm thiết thực, phù hợp với chủ trương thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, biến tiềm năng du lịch thành giá trị thật. Giao Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo kế hoạch hàng năm phân bổ một phần ngân sách để tổ chức Năm Du lịch quốc gia, hỗ trợ để Bình Thuận tổ chức các sự kiện.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh lỵ của Bình Thuận là thành phố Phan Thiết nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 183 km về phía Nam, cách Nha Trang 250 km và cách thủ đô Hà Nội 1.520 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A. Bình Thuận có biển dài 192 km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Với bề dày lịch sử – văn hóa, trong đó di sản văn hóa dân tộc Chăm là những đặc trưng riêng biệt của tỉnh. Cộng với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Bình Thuận có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đặc biệt Bình Thuận được du khách quốc tế biết đến như một thiên đường nghỉ dưỡng với biển xanh, cát trắng, nắng vàng và những đồi cát đỏ, cát trắng độc đáo, hiếm có trên thế giới.

(Baochinhphu.vn)

Rate this post
error: Content is protected !!