‘Bỏ túi’ những địa điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Nội dịp 30/4 – 1/5

Hà Nội với hơn 1.000 năm lịch sử, cùng với những di tích lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đến những nơi sôi động thu hút đông đảo giới trẻ, du lịch Hà Nội đã và đang là điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch dịp lễ dài ngày 30/4, 1/5. Một vài địa điểm nổi tiếng để du khách lựa chọn trải nghiệm khi đến với Hà Nội.

Hoàng thành Thăng Long hấp dẫn với tour du lịch đêm. Ảnh: VGP

>>> Xem thêm: Chương trình Thương hiệu tín nhiệm hàng đầu châu Á – ASIAN TOP BRAND AWARDS 2024

Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới

Hơn 1.000 năm trước, vào thế kỷ XI – năm 1010, đất Thăng Long xưa – Hà Nội nay được Vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của nước Đại Việt và đặt tên là Thăng Long với mong muốn Kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật rồng thiêng bay lên. Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ XI – thế kỷ XII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX – thế kỷ XX), các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước.

Hoàng thành Thăng Long gồm hai khu: Khu thành cổ Hà Nội và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Khu thành cổ Hà Nội là trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn. Trên mặt đất hiện còn bảo tồn một số di tích của Cấm thành Thăng Long và thành Hà Nội như: Cột Cờ, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc, tường và các cổng Hành cung.

Còn Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, từ cuối năm 2002 đã được tiến hành khai quật với tổng số diện tích khoảng trên 40.000m2 chia thành 5 khu A, B, C, D, E. Các cuộc khai quật đã phát lộ nhiều di tích, di vật dưới lòng đất chính là các di tích kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long với chiều dài lịch sử khoảng 13 thế kỷ, gần như liên tục từ thủ phủ An Nam, thành Đại La thời thuộc Đường, đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua các thời Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, đúng dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010).

Những năm gần đây Hoàng Thành Thăng Long tổ chức rất nhiều hoạt động đặc sắc nhằm thu hút đông đảo du khách đến vui chơi và tìm hiểu lịch sử. Hoàng thành Thăng Long đã đưa vào sử dụng hệ thống hướng dẫn thuyết minh tự động (auto guide) với việc trang bị cho du khách tai nghe thuyết minh trong suốt quá trình tham quan.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội trình chiếu phim 3D “Lễ Chính đán thời Lê”. Bộ phim sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm 360 độ, tái hiện không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức như: Rước Biểu vào sân điện Kính Thiên; rước xa giá vua sang điện Kính Thiên; lễ tuyên biểu mục…

Di tích Nhà tù Hỏa Lò – “Địa chỉ đỏ” hào hùng giữa lòng Thủ đô luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh: VGP/DA

Di tích Nhà tù Hỏa Lò – “Địa chỉ đỏ” hào hùng giữa lòng Thủ đô

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò là một trong số những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, xây dựng năm 1896 tại làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội (nay là 1 phố Hỏa Lò, Hà Nội). Đây là nơi giam giữ hàng nghìn người Việt yêu nước. Bị giặc Pháp bắt giam, dù phải chịu cảnh sinh hoạt hà khắc, bị đày đọa nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn giữ trọn lòng yêu nước, bất khuất, kiên cường, vượt lên gian khó, biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Có nhiều nhân vật lãnh đạo đã bị thực dân Pháp bắt giữ tại nhà tù Hỏa Lò, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Phan Bội Châu, Nguyễn Quyền, Nguyễn Lương Bằng,… Ngoài ra, còn có năm đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh.

Tại Hỏa Lò, Cachot được coi là “Địa ngục của địa ngục”, với không gian giam giữ chật hẹp, tối tăm. Cachot là nơi dùng để giam giữ những người vi phạm nội quy của nhà tù. Những người tù bị nhốt trong đó bị cô lập hoàn toàn, bị còng trong đêm và phải ăn uống, vệ sinh tại chỗ. Sau một thời gian ngắn bị giam trong Cachot, người tù sẽ bị suy nhược sức khỏe, mắt mờ, ghẻ lở khắp cơ thể do thiếu vệ sinh, ánh sáng và không khí trong lành.

Hiện nay, Di tích nhà tù Hỏa Lò trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô; nơi thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Với những đổi mới, phát triển các chương trình du lịch trải nghiệm mới, lạ, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền thông, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã kéo công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến không chỉ để tham quan mà còn trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử. Tận dụng sức hút, tầm ảnh hưởng của mạng xã hội facebook, đội ngũ truyền thông của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng trang facebook “Di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hoa Lo Prison Relic”.

Với những bài viết hấp dẫn, vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa gần gũi, đại chúng, mỗi bài viết trên trang facebook này đều thu hút lượng lớn người thích và bình luận. Từ những hiệu ứng truyền thông ấy, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng thêm nhiều chương trình tham quan, với nội dung hấp dẫn, đặc biệt có thể kể đến tour Đêm thiêng liêng. Đến nay, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức 3 tour Đêm thiêng liêng với các tên gọi: Đêm thiêng liêng 1 – Sáng ngời tinh thần Việt; Đêm thiêng liêng 2 – Sống như những đóa hoa; Đêm thiêng liêng 3 – Lửa thanh xuân.

Không gian bên trong Hội quán Quảng Đông. Ảnh: Vnexpress

>>> Xem thêm: Lễ công bố Thương hiệu tiêu biểu châu Á Thái Bình Dương năm 2024

Hội quán Quảng Đông độc đáo trong lòng phố cổ Hà Nội

Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm – nơi mà những người muôn năm cũ ở Hà Nội luôn nhắc với cái tên Hội quán Quảng Đông nay đã trở thành một điểm hẹn văn hóa tựa như vùng ký ức của Phố cổ Hà thành. Du khách sẽ thấy ấn tượng với không gian rộng lớn, với những kiến trúc hoài cổ, nơi lưu giữ văn hóa và kiến trúc của Việt – Hoa – Pháp là điểm đến đáng để trải nghiệm.

Một hiện vật được trưng bày tại triển lãm, tái hiện những câu chuyện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Ảnh: Vnexpress

Hội quán Quảng Đông được hình thành bởi cộng đồng người Quảng Đông (Trung Quốc) định cư tại phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Hàng Ngang, Hàng Buồm, Lãn Ông) khoảng 400 năm trước. Đây từng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng cho người gốc Hoa, và là điểm giao dịch, thỏa thuận buôn bán và phân xử tranh chấp thương mại. Hội quán Quảng Đông cũng lưu giữ ký ức của con phố Hàng Buồm. Tại đây, bạn sẽ được biết về chuyện đời, chuyện phố, chuyện của dân Kẻ Chợ xưa, những Hoa kiều và của người Hà Nội ngày nay.

Được xây dựng trên diện tích 1.800m2, sau khi được tu sửa và tôn tạo hội quán vẫn giữ được lối kiến trúc điển hình của các hội quán, kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa Tây – Việt – Hoa. Bốn dãy nhà có kết cấu hợp thành chữ “Khẩu”, kết hợp với sân thiên tỉnh (giếng trời) ở giữa các khoảng không gian để lưu thông không khí và ánh sáng. Không gian được bố trí thành nhiều tầng, lớp với các gian khác nhau.

Hội quán Quảng Đông được xem là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc: Việt – Hoa – Pháp. Một phần của hội quán ngày nay được dùng để tổ chức các buổi triển lãm. Trong không gian hoài cổ, các nghệ sĩ có thể thỏa sức bố trí các tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng của mình. Một số triển lãm nổi bật là “Phiêu diêu”, “Ký họa phố cổ 2021”, “Hà Nội là…”, “Không gian ký ức 22 Hàng Buồm”. Không chỉ có những triển lãm nghệ thuật, địa điểm không gian văn hóa Hàng Buồm còn là nơi thu hút giới trẻ bởi những góc chụp độc đáo, mới lạ.

Bãi biển nhân tạo Vinhomes Ocean Park

Bãi biển nhân tạo Vinhomes Ocean Park

Biển nhân tạo Ocean Park gây ấn tượng mạnh mẽ khi đạt kỷ lục “biển nước mặn nhân tạo lớn nhất Việt Nam”. Công trình này được ví như “viên ngọc quý” làm bừng sáng khu vực phía Đông bởi sở hữu sắc xanh lam ngọc thuần khiết, đồng thời góp phần nâng cao vị thế Vinhomes Ocean Park trên thị trường bất động sản.

Biển nhân tạo Vinhomes Ocean Park là bãi bãi biển nhân tạo tại Hà Nội được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay. Với công nghệ hiện đại, nước biển ở đây có bị mặn và trong xanh không khác gì biển tự nhiên. Cát tại bãi biển là cát được vận chuyển về từ Nha Trang. Những hàng dừa xanh tít tắp bao quanh bãi cát trắng mịn mang đến cảm giác tắm biển chân thực vô cùng.

Nước biển tại đây được áp dụng công nghệ Âu Mỹ để xử lý sao cho có độ trong, độ mặn và sắc xanh giống tự nhiên nhất có thể, nhằm mang lại những cảm xúc chân thật nhất cho cộng đồng cư dân và du khách ghé thăm. Đặc biệt, công trình được xây dựng đảm bảo những tiêu chí về sự thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe con người.

Không chỉ là cảnh quan mang giá trị thẩm mỹ cao, hồ Ngọc Trai giữ vai trò thanh lọc không khí, điều tiết nước, mở ra không gian sống trong lành, thuần khiết, góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng cư dân.

Sở hữu quy mô và thành tích ấn tượng, bộ đôi biển hồ Vinhomes Gia Lâm đã mang về cho khu đô thị 2 kỷ lục là “Hồ nước ngọt trải cát trắng nhân tạo lớn nhất Việt Nam” và “Biển hồ nước mặn lớn nhất Việt Nam”.

Ngoài ra, Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới WorldKings đã trao tặng kỷ lục “Khu đô thị có biển hồ nước mặn và hồ nước ngọt nhân tạo trải cát trắng lớn nhất Thế giới” cho Vinhomes Ocean Park. Đây chính là thành quả xứng đáng cho sự đầu tư, quãng thời gian xây dựng đầy tâm huyết và cố gắng của hàng trăm con người.

Lần đầu tiên tại Hà Nội, biển hồ nước mặn Vinhomes Ocean Park mang đến những đặc quyền có 1-0-2 cho cư dân và du khách với nhiều hoạt động đặc sắc như bơi lội giữa làn nước trong xanh, lái moto nước,…

Đồng thời có thể thuê thuyền kayak trên biển nhân tạo. Bên cạnh chuỗi hoạt động vui chơi giải trí đa dạng, Vinhomes Ocean Park sở hữu 6 công viên BBQ ngay cạnh bãi biển, hơn 100 điểm nướng dã ngoại. Đây là địa điểm hoàn hảo để tổ chức những bữa tiệc quây quần, gắn kết. Các điểm nướng được trang bị đầy đủ chòi nghỉ, khu sơ chế, bếp nướng, bàn ăn vô cùng tiện lợi.

Thiên đường Bảo Sơn với lễ hội Hula Summer

Thiên đường Bảo Sơn với lễ hội Hula Summer

Thiên Đường Bảo Sơn ở đường Lê Trọng Tấn, xã An Khánh, huyện Hoài Đức. Sự kiện Hula Summer diễn ra với chương trình biểu diễn đường phố náo nhiệt trong 2 ngày chính lễ 30/4 và 1/5. Du khách còn có thể hòa mình vào vũ điệu Hulala vui nhộn, đồng thời thưởng thức nhiều hoạt động nghệ thuật đặc trưng tại công viên như xiếc thú, múa rối nước, dân ca và nhạc cổ truyền.

Lột xác trong diện mạo hoàn toàn mới, công viên nước Castaway Lagoon là tổ hợp bao gồm hệ thống trò chơi dưới nước hiện đại, độc đáo, đem đến trải nghiệm thích thú và sảng khoái cho các du khách, đó là “ngũ long tranh bá”, “bạch tuộc lốc xoáy”, “vũ điệu xúc tu”…

Bên cạnh đó, khu Thủy cung tại Thiên đường Bảo Sơn tiếp tục được nâng cấp và mở rộng thêm hàng nghìn m2. Hè năm nay, công viên ra mắt thêm tầng 3 là nơi tái hiện thế giới động vật đa dạng, muôn màu từ khắp các châu lục trên thế giới và tầng 4 là bảo tàng khủng long mang đến trải nghiệm thời tiền sử, mang đến nhiều lựa chọn vui chơi, giải trí hơn cho người dân Thủ đô.

Các khu tham quan như nông trại kiểu Úc – Happy Farm hay vườn thú safari cũng là những điểm đến thu hút du khách khi đến với Công viên Thiên đường Bảo Sơn. Hệ thống hơn 20 trò chơi ngoài trời, thị trấn vui chơi trong nhà Kids Town, trung tâm thực tế ảo Baoson VR Game Park,… hứa hẹn đem lại những giờ phút giải trí đáng mong chờ cho du khách mọi lứa tuổi.

Làng cổ Đường Lâm với cảnh cổng làng cổ kính trăm tuổi.

Điểm du lịch làng cổ Đường Lâm

Quần thể di tích làng cổ ở Đường Lâm nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 47km, cách trung tâm hành chính thị xã Sơn Tây 5km theo chỉ giới đường quốc lộ 32 hướng từ Hà Nội đi lên các tỉnh vùng Tây Bắc.

Đến với Đường Lâm vào những khung thời gian khác nhau, du khách còn được trải nghiệm một cảnh quan thiên nhiên rất sinh động với 36 gò đồi, 18 rộc sâu, hàng chục giếng cổ, hàng trăm cây cổ thụ phân bổ khắp các xóm làng, ao hồ, ngõ xóm, cùng dòng sông Tích uốn lượn. Trong đó có 18 cây Duối cổ thuộc khu vực bảo vệ di tích, đền –lăng mộ vua Ngô Quyền đã được Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản 22/4/2011. Tất cả đã tạo nên bức tranh rất sinh động của làng quê Việt Nam, các thửa ruộng, gò đồi, bãi luôn được phủ màu xanh tươi tốt của những loại nông sản hoa màu như: Ngô, đậu, lạc, khoai sắn…

Di sản văn hóa làng cổ ở Đường Lâm đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đến với làng cổ mỗi người không chỉ được tham quan các di tích, nhà cổ tiêu biểu mà còn được trải nghiệm, hòa mình và tìm lại với những nét đẹp phong tục truyền thống quý báu của dân tộc Việt. Thấy được sức mạnh tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn của các dòng họ, làng xóm, sự đùm bọc chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau: Những giá trị văn hóa lịch sử quý báu đang được bảo tồn gìn giữ ở di tích làng cổ Đường Lâm, luôn được đánh giá là tiêu biểu và đặc sắc của làng quê Việt Nam.

vườn quốc gia Ba Vì thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì ó phong cảnh ngoạn mục với những khu bảo tồn, thăm quan, giải trí đẹp, có hệ thực vật nhiệt đới và á nhiệt đới khá điển hình ở Việt Nam.

Vườn quốc gia Ba Vì – “Lá phổi xanh” của Hà Nội

Nằm cách thủ đô Hà Nội 60km về phía Tây, vườn quốc gia Ba Vì thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cũng là điểm đến khá nổi tiếng với giới trẻ và các gia đình ở Hà Nội. Nơi đây có phong cảnh ngoạn mục với những khu bảo tồn, thăm quan, giải trí đẹp. Vườn quốc gia Ba Vì có hệ thực vật nhiệt đới và á nhiệt đới khá điển hình ở Việt Nam; bốn mùa cây cối xanh tươi, khí hậu trong lành rất phù hợp với các hoạt động du lịch kết hợp nghỉ dưỡng. Cũng chính vì vậy mà vườn quốc gia Ba Vì được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Hà Nội, nơi quần cư của nhiều loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ như: cu li lớn, gấu ngựa, tê tê vàng, gà lôi trắng, sóc bay…

Vườn quốc gia Ba Vì đa dạng sinh học với 3 kiểu rừng: Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới; rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới và kiểu rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi thấp. Núi Ba Vì với 2 đai cao nên hệ thực vật nơi đây khá phong phú và đa dạng, đã ghi nhận 2181 loài thực vật bậc cao thuộc 207 họ, 958 chi. Nhiều loài cây quý hiếm như: Bách xanh (Calocedrus marcrolepis), Thông tre (Podocarpus nerrifolius) Sến mật, giổi lá bạc, quyết thân gỗ, bát giác liên. Ở Vườn quốc gia cũng đã thống kê được 896 loài cây thuốc

Theo kết quả điều tra bổ sung mới nhất, Khu hệ động vật có xương sống ở Vườn quốc gia Ba Vì thống kê được 341 loài. Trong đó, có 54 loài thú, 193 loài chim, 68 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư. Yếu tố đặc hữu của khu hệ động vật có xương sống ở Ba Vì ở 2 lớp bò sát và lưỡng thê. Nhóm động vật quí hiếm ở Vườn quốc gia Ba Vì có 66 loài. Các loài quý hiếm như Cầy vằn, Cầy mực; Beo lửa, Sơn Dương… Gà lôi trắng, Yểng quạ, Khướu bạc má… và các loài đặc hữu hẹp hiện có ở Vườn quốc gia Ba Vì.

Theo kết quả điều tra chuyên đề của Vườn quốc gia về côn trùng, đã phát hiện được 552 loài côn trùng thuộc 364 giống, 65 họ, 14 bộ. Trong đó có 7 loài được ghi trong sách đỏ Việt nam như Bọ ngựa xanh thường; Cà cuống ; Bướm khế ; Ngài mặt trăng; Bướm rồng đuôi trắng; Bướm phượng Hêlen, Bướm đuôi kiếm.

Nguồn: Báo chính phủ

Rate this post
error: Content is protected !!