Bộ trưởng Lê Minh Hoan bám sát nội dung đặt ra, đề cập toàn diện lĩnh vực mình phụ trách

Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, nội dung chất vấn và trả lời với Bộ trưởng Lê Minh Hoan bám sát nội dung cử tri đặt ra. Bộ trưởng đã đề cập khá toàn diện đến những lĩnh vực thuộc bộ, ngành mình quản lý.

Đại biểu Trần Văn Khải: Trong thời gian rất ngắn, phải trả lời trực tiếp là áp lực rất lớn đối với Bộ trưởng Lê Minh Hoan – Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thưa đại biểu, ông có nhận xét gì về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan?

Đại biểu Trần Văn Khải: Tại phiên chất vấn hôm nay, rất nhiều đại biểu đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng với những câu hỏi về những điểm nghẽn, nút thắt và chiến lược của ngành. Trong thời gian ngắn, phải trả lời trực tiếp thì đây là áp lực rất lớn đối với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Tuy nhiên, là Bộ trưởng “đăng đàn” đầu tiên tiến trả lời chất vấn, tôi nhận thấy, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan diễn ra sôi động, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận giữa người chất vấn với người trả lời chất vấn về các vấn đề nông nghiệp hiện nay.

Theo đó, câu hỏi của đại biểu và câu trả lời của Bộ trưởng ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề, bám sát nội dung mà đại biểu và cử tri đang đặt ra. Bộ trưởng đã đề cập khá toàn diện đến những lĩnh vực thuộc bộ, ngành mình quản lý, nhất là công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản; các giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững…

Cùng với nội dung trả lời của Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ khác đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm đã cho chúng ta thấy toàn cảnh bức tranh về ngành nông nghiệp với những kết quả nổi bật đạt được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, giải pháp tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp là một “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo với những quyết sách phù hợp hơn trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng với các bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu đặt ra. Đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành và lĩnh vực, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Trong bối cảnh khó khăn, đất nước ta phải thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe tính mạng nhân dân, vừa phải thúc đẩy phát triển, ông có nhận định và đánh giá như thế nào về kết quả kinh tế-xã hội đạt được thời gian quan?

Đại biểu Trần Văn Khải: Trong những năm qua, nước ta triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ khi chúng ta phải gồng mình ứng phó với 4 đợt bùng phát của đại dịch dịch toàn cầu COVID-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 ở nước ta đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng và nặng nề về tài sản, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Trong bối cảnh khó khăn chung, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ đã nỗ lực rất cao trong công tác chỉ đạo chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm để đưa nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong những tháng đầu năm 2022.

Với sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, dịch bệnh ở nước ta cơ bản được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các ngành, lĩnh vực được phục hồi và tăng trưởng; các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao…

Những kết quả đạt được cho thấy sự đúng đắn của các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Để có những kết quả như trên, tôi cho rằng trước hết là nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính phủ đã luôn thể hiện tư duy đổi mới với tầm nhìn chiến lược; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; nắm chắc tình hình để sẵn sàng, chủ động ứng phó linh hoạt với những diễn biến phát sinh; định hướng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt, đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên, giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ phù hợp, khả thi với hoàn cảnh thực tế.

Xem thêm >>> Người phát ngôn của Chính phủ: KTXH tiếp tục khởi sắc và phục hồi mạnh mẽ

Ông có kỳ vọng gì về triển vọng phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới?

Đại biểu Trần Văn Khải: Với những kết quả tích cực đạt được như đã phân tích, nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo, tình hình dịch bệnh được kiểm soát vững chắc hơn… nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục có sự phục hồi và chuyển biến mạnh mẽ. Phục hồi và tăng trưởng sẽ là xu hướng chủ đạo trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, tuy dịch bệnh được kiểm soát, song các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan; phải luôn sẵn sàng, chủ động, tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, kết luận, yêu cầu về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các vấn đề quốc tế như xung đột Nga-Ukraine, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát tăng cao trên toàn cầu; ở trong nước, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; xợ xấu có xu hướng tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công triển khai còn chậm… cũng là những “nút thắt”, vấn đề lớn, đòi hòi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng các kịch bản khả thi, phù hợp với tình hình để ứng phó và xử lý một cách đồng bộ và hiệu quả.

Tôi cho rằng, để hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu vụ kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2022 và thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời bám sát tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh. Trong đó cần đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiết giảm tối đa chi thường xuyên.

Cùng với đó là điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt. Siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, ngân sách. Bảo đảm cung cầu, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả, điều hành, bình ổn giá phù hợp. Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch…

Đồng thời, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng tưởng. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn, phát huy tốt hơn các nguồn lực để thúc đẩy phát triển trên các lĩnh vực.

Cùng với đó, tôi cũng kỳ vọng Chính phủ, các cấp, các ngành có những giải pháp hiệu quả hơn, đồng bộ hơn về an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội…

Tôi cũng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương luôn theo dõi sát diễn biến tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ trong mọi hình huống; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Baochinhphu.vn)

Rate this post
error: Content is protected !!