Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 30% lao động về quê có nhu cầu quay lại

1,3 triệu lao động đã về quê trong các đợt dịch vừa qua, trong đó khảo sát cho thấy khoảng 30% có nhu cầu quay trở lại TP HCM và các tỉnh phía Nam, theo Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chiều 10/11, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị cho biết giải pháp hỗ trợ người dân về quê trong các đợt dịch vừa qua, để họ “không bị lại phía sau”?

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói số lao động về quê khoảng 1,3 triệu người. Qua khảo sát mới đây, ông được biết khoảng 30% người dân có nhu cầu quay trở lại TP HCM và các tỉnh phía Nam; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở địa bàn khác; còn lại khoảng 40% muốn có việc làm tại quê.

Lãnh đạo ngành lao động nêu một số vấn đề cần quan tâm thời gian tới. Trong đó, TP HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm cần phối hợp với các địa phương vận động, thuyết phục người lao động quay trở lại. Các tỉnh chủ động kết nối với địa phương khác giới thiệu việc làm cho người dân. Vừa qua, Thanh Hóa đã giới thiệu người lao động về quê đi làm ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

“Bắc Giang hiện nay đã tăng hơn 50.000 lao động so với thời điểm trước dịch. Số này chủ yếu là lao động về quê nay trở lại”, ông Dung nói.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần chú ý tạo việc làm tại chỗ, như Quảng Trị, Quảng Nam vừa qua đã tiếp nhận toàn bộ công nhân may và một số lĩnh vực khác làm việc tại địa phương.

Xem thêm >>> 5 Nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu mạnh

Về cải cách tiền lương, đại biểu Vương Thị Hương đặt vấn đề, người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi, lương hưu thấp, nhều người chật vật mưu sinh. Đây cũng là nhóm người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh, vậy “Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời, vừa qua phải dừng cải cách tiền lương, nhưng trong đề xuất của Chính phủ vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và người có lương hưu thấp. Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên, sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định vấn đề này.

Trước đây dự kiến 1/7/2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, Bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1/1/2022. Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu khoảng 12.650 tỷ đồng. “Chúng tôi phấn đấu đến 1/1/2022, người về hưu được hưởng chính sách mới”, ông Dung nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề, vừa qua Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được trích 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh còn phức tạp, vậy nếu số kết dư của quỹ hết thì sẽ giải quyết thế nào?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 kết dư 90.600 tỷ đồng. Đây là số kết dư “tương đối tốt và ở mức an toàn cao”. Chính phủ phấn đấu kết dư Quỹ đảm bảo 2 lần mức chi của năm liền kề.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Media Quốc hội

Mức kết dư hiện nay đảm bảo an toàn trong 5 năm tới. Vì vậy, Chính phủ thấy có căn cứ đề xuất Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết đồng ý để Chính phủ sử dụng 38.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động. Như vậy quỹ còn 56.000 tỷ đồng và mức này đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, theo ông Dung đây chỉ là giải pháp tình thế.

Trả lời chất vấn của đại biểu về trẻ em mồ côi ở TP HCM và các tỉnh phía Nam sau đợt dịch lần thứ 4, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói trong đợt dịch vừa qua, khoảng 1,5 triệu trẻ em trên thế giới mồ côi; ở Việt Nam có 2.500 cháu, trong đó 81 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời gian qua, Bộ đã ban hành chính sách liên quan, như thay thế Nghị định 136 bằng nghị định 20 (có hiệu lực từ 1/7), quy định việc bảo trợ trẻ em, các chính sách cho trẻ mồ côi, chính sách cho trẻ trong làng SOS.

Trước khi ban hành chính sách, Bộ có tham khảo mức chung của các nước, cho thấy chính sách chung tương đối đồng bộ. Ở các nước mức hỗ trợ khoảng 1,1 đến 1,8 triệu đồng; ở Việt Nam, trẻ em dưới 4 tuổi có người thân đỡ đầu cũng mức 1,8 triệu đồng.

Theo ông Dung, ngoài chính sách đã có, các tổ chức chính trị xã hội đã hỗ trợ các cháu mồ côi tương đối tốt. Quỹ Bảo trợ trẻ em hỗ trợ trẻ mồ côi cha hoặc mẹ mỗi cháu 5 triệu đồng, mồ côi cả cha mẹ thì được cấp sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.

“Chúng tôi vận động để các cháu đều có mái ấm gia đình, người thân đỡ đầu. Hiện 81 cháu đều sống với người thân. Trường hợp không có người thân sẽ có mẹ đỡ đầu, trường hợp xấu nhất mới đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, vì các cháu còn phát triển về tinh thần, tâm lý”, ông Dung nói.

Sáng mai (11/11), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu. Sau đó đến phiên đăng đàn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

(Theo Vnexpress)

Rate this post
error: Content is protected !!