Ăn ứng dụng thời 4.0

Cô bạn thân thuở trẻ của tôi rất đam mê nấu ăn và quan niệm rằng đàn bà nấu ăn ngon sẽ tạo nên gia đình hạnh phúc, bằng không thì hỏng cả. Tôi bảo khổ quá tui thấy mấy ông chán vợ đi theo người tình thì toàn là vợ nấu ăn ngon mà bồ lại nấu rất dở, tui cũng chưa từng thấy gã nào mê gái chỉ vì gái ấy nấu ăn ngon cả, mà vì cái gì có trời mới biết.

Thời thế thế thời thay đổi, có những điều từng là chuẩn mực thì bây giờ là sự nực cười. Tỷ như trước đây ai cũng biết mổ gà làm cá. Mẹ tôi còn làm được cả thịt chó, thịt thỏ, thịt ếch, thịt lươn, thậm chí lươn làm sạch xong bà vắt cả đống lên cánh tay như khăn mặt trên dây phơi. Nếu cô nàng nào mà nhìn thấy con cá giãy trên thớt cũng giãy đành đạch lên theo rồi sợ chết khiếp thì đố có về làm dâu được nhà nào. Bây giờ gà cá người ta mổ cho sẵn, vặt lông cạo vảy trắng phau, về chỉ việc xả nước rồi bỏ vô nồi. Ngay cả các bà nội trợ sống từ thời phong kiến rồi tiến lên bao cấp cũng chẳng thèm mó tay cắt tiết gà nữa…Rồi sau này, ngay cả việc xào nấu, nêm nếm gia vị cũng được giản tiện luôn vì các siêu thị thông minh bắt đầu quyến rũ bà nội trợ bằng đồ ăn sẵn. Người Nhật, người Hàn tới giờ cơm chỉ cần thả bộ xuống siêu thị 24h dưới chân nhà mà mua thịt bò thái sẵn, cá làm sạch đã tẩm ướp đủ loại gia vị đặc sắc rồi bỏ nồi đun chín là xong. Người Việt thì mò ra Vinmart, Aeon, Lotte, trên giá đã có sẵn giả cầy, thịt kho tàu, ốc nấu chuối đậu, cá bông lau kho tộ, về chỉ việc hâm nóng.

Xem thêm >>> Chương trình vinh danh Thương Hiệu Nổi Tiếng Đất Việt Năm 2022

Nhưng tới thập niên 20 này thì ngay đến việc hâm nóng thực phẩm người ta cũng bắt đầu ngại nốt. Đồ ăn nóng sốt sẵn sàng chả sướng hơn ấy à. Bao kẻ thông minh biết thế nên đã soạn thảo ra các ứng dụng siêu đẳng để phục vụ những người sinh ra ở thiên niên kỷ lười biếng. Hôm trước một cô bạn tôi, người trong vòng một năm đã start-up được công ty xuất nhập khẩu ở Singapore khuyên tôi nên tải ứng dụng Foody hoặc Grab Food về để đặt đồ ăn cho dễ, sẽ tiết kiệm được vô khối thời gian. Tôi ậm ừ phản đối mất cả năm, xong đến giai đoạn cha tôi phải nằm viện hơn tháng trời, nhiều lúc bận dạy học bí quá không mang được cơm vào viện, tôi bắt đầu tuyệt vọng và nghĩ đến ứng dụng. Trời, một siêu thị đồ ăn khổng lồ với hàng trăm khuyến mại, người mua chỉ việc chi trả bằng nửa giá tiền trong khi ung dung ngồi nhà mà vẫn có cái ăn. Cú nhấp chuột diễn ra trong một giây và sau mười lăm phút người giao hàng đã đặt trước mặt tôi đầy đủ thơm ngon nóng hổi: bún chả Sinh Từ, phở Lý Quốc Sư, gà Mạch Hoạch, cơm hến, xôi gà, Gim Bab, Sushi, cả trà sữa và tào phớ nữa. Sau một tháng thì cha tôi nghiện ứng dụng còn hơn cả tôi.

Lúc ấy mới chợt nhớ ra mấy bữa trước, có cậu bạn thân đang loay hoay start-up một kênh thương mại điện tử về bất động sản, thấy tôi tỏ vẻ hoài nghi, cậu bảo bây giờ là thế kỷ của thương mại điện tử, em có biết Foody vừa bán thương hiệu cho nước ngoài nhiêu tiền không. Tôi bảo 5 tỷ. Em dở hơi đấy à. Thì 7 tỷ vậy (bụng nghĩ 7 tỷ sao mà đắt thế). Cậu tăng cấp độ lên là tôi bị điên đấy à.

Đến lượt tôi bảo thằng mua bị điên đấy à. Mua làm gì cái ứng dụng ăn uống ấy. Công ty thương mại điện tử nào chả đang chịu lỗ. Tiki trong ba năm lỗ 1200 tỷ đồng. Lazada lỗ hơn 3100 tỷ đồng còn Shopee mỗi năm lỗ 800 tỷ. Tôi bảo thà đưa tiền ấy tôi mua được 1000 cái nhà rồi tôi cho thuê, chỉ việc ngồi thu bộn tiền, lãi hơn nhiều. Bạn tôi nhún vai như đang nói chuyện vũ ba lê với người nông dân cấy lúa. Cậu bảo người ta không quan tâm lỗ lãi, điều mà người ta cần biết, ấy là thương mại điện tử và ứng dụng 4.0 sẽ thống trị kỷ nguyên mới, và thứ mà người ta đã trả giá siêu đắt là ứng dụng hàng đầu về ăn uống ở Việt Nam. “Một khi em đã quen một trang ứng dụng nào đó thì em sẽ nghiện có đúng không?”

Foody bán 82% cổ phần cho tập đoàn Sea Ltd. của Singapore từ năm 2017, bằng một hợp đồng khổng lồ, bởi nó đã gây nghiện cho 5 triệu người dùng với 10 triệu lượt truy cập mỗi tháng (chỉ tính riêng đến thời điểm 2017). Các trang ứng dụng giao đồ ăn như Grab Food, Now… giờ vẫn chịu lỗ ngang với Alibaba và Meituan, hai người khổng lồ Trung Hoa đang quăng hàng tỷ đô la tiền lỗ để tranh giành nhau ngôi vị “đế chế giao hàng” lớn nhất thế giới. Hàng ngày gọi đồ ăn qua ứng dụng Grab Food, vừa ăn ngon miệng lại vừa thấy thương cho… doanh nghiệp, cứ nghĩ họ khuyến mại đồ ăn tới năm mươi ngàn một suất, ăn bát phở bốn mươi ngàn vẫn còn dư mươi ngàn tiền thưởng không biết làm gì, chỉ để thu hút khách rồi tranh bá ngôi vị “ship hàng”. Mà nhặt tiền lẻ mười lăm ngàn một cuốc ship hàng rồi thu phần trăm từ ông xe ôm, cùng lắm sau này có lãi thì ăn phần trăm từ dăm gói xôi xéo với chiếc bánh mì kẹp thì đến kiếp nào mới giàu được. Sau thấy Foody bán cổ phần lấy 1500 tỷ bỗng thấy người ta khôn chán vạn chứ chả phải mình sáng dạ, trách gì mình không bao giờ làm giàu được, chỉ ngồi ăn và viết bình luận món ăn là giỏi.

Ứng dụng giao đồ ăn chỉ mới bắt đầu khởi động, mà người ta đã mê nó đến thế. Tôi bỗng hoảng hốt nghĩ tới vài thập niên nữa, thậm chí chỉ mươi năm nữa thôi, có nhẽ chăng các bà mẹ sẽ nuôi con bằng… ứng dụng. Bởi thời của tôi chưa bao giờ có khái niệm cửa hàng cháo dinh dưỡng, thì bây giờ những tiệm cháo đậu xanh, bí đỏ, cá xay xuất hiện trên khắp các nẻo đường, và sắp tới người ta sẽ gọi nó về nhà bằng ứng dụng rồi bón cho trẻ em, để đến khi đứa trẻ lớn lên nó sẽ còn được ăn canh bầu nấu tôm, chả cuốn lá lốt, cà chua nhồi thịt qua ông xe ôm mặc áo xanh đồng phục đứng đợi vỉa hè. Và nếu như bạn nó ăn thế, cô giáo nó ăn thế và thần tượng nhạc Pop của nó cũng ăn thế thì việc không ăn ứng dụng mới là dở hơi. Con gái tôi và các bạn nó đã vô cùng hoan hỉ về ứng dụng và đồ ăn sẵn ngoài siêu thị. Nàng hớn hở bảo mẹ: Thế giới bây giờ không mấy ai còn lụi hụi nấu ăn nữa đâu mẹ ạ.

Nu mà ứng dụng lên ngôi và những ông hoàng ship đồ ăn như Alibaba và Meituan trở thành bá chủ thế giới, thì liệu những đứa bé trai có còn mang trong lòng hình ảnh đứng bếp ngọt ngào, ấm áp đến nao lòng của người mẹ như Nguyễn Quang Thiều từng mô tả trong Mùi của ký ức: “Hai mẹ con cứ ngồi trong bếp than hồng những ngày đông giá rét như thế với đủ thứ chuyện trong mùi thơm của khói và của món cá nướng. Tất cả những câu chuyện thôn quê đã thấm vào tôi như hơi lửa và khói thấm vào món cá nướng làng tôi”. Và Trần Tiến Dũng viết trong tùy bút Món ngon và gia vị cảm xúc: “Trong gian bếp sáng lửa lá dừa, bên cái chảo gang, da mặt má tươm mồ hôi, hườm hạnh phúc. Những chiếc bánh xèo trong chảo vàng như đóa hướng dương, được bàn tay cầm vá của má gấp đôi và xếp gọn gàng trên miếng lá chuối”.

Nỗi hốt hoảng ấy có lý hay không, phải nhiều năm sau mới biết được. Chẳng nhẽ công nghệ làm thay đổi thói quen sống, thói quen giao tiếp và giải trí đã đành, lại xóa sổ một niềm kiêu hãnh ngàn đời của các bà mẹ hay sao!.

Theo Tạp chí điện tử Du lịch

Rate this post
error: Content is protected !!