Năm bị đào thải cao kỷ lục của môi giới bất động sản

Cận Tết, anh Minh, môi giới địa ốc chỉ có vài triệu đồng trợ cấp thất nghiệp dắt túi vì công ty cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Minh là nhân viên kế toán chuyển sang nghề môi giới bất động sản giữa năm 2018, sau khi chứng khiến nhiều người phất lên nhờ mát tay buôn bán nhà đất giai đoạn hoàng kim 2016-2017. Anh chia sẻ, trước khi dịch bùng phát vẫn kiếm được 30 triệu đồng một tháng từ hoa hồng bán hàng. Song tình hình trở nên xấu dần từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020 rồi chuyển sang cực kỳ khó khăn vào năm 2021 do dịch bệnh.

Phần vì rổ hàng của công ty ít, phần vì thanh khoản bất động sản ngày càng xuống thấp, thu nhập của anh cũng lao dốc theo. Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và những tháng TP HCM phong tỏa, công ty bất động sản anh đang đầu quân đã giải thể các chi nhánh, trả gần hết các mặt bằng đang thuê (chỉ giữ lại duy nhất một văn phòng tại TP Thủ Đức) và cắt giảm nhân sự hàng loạt. Anh Minh nằm trong nhóm hàng chục nhân sự mất việc hồi tháng 10 vì chỉ bán được duy nhất một sản phẩm trong 9 tháng đầu năm.

Những tháng phong tỏa không bán được hàng, công ty khó khăn nên đã cắt lương cơ bản, anh Minh và gia đình sống lay lắt bằng tiền tích lũy đã cạn dần. “Từ đầu quý IV đến nay tôi trang trải bằng tiền trợ cấp thất nghiệp và tìm việc mới. Tôi cân nhắc trở lại nghề kế toán trong năm 2022 vì nhìn quanh còn rất nhiều môi giới đang phải loay hoay thất nghiệp và trôi nổi chưa biết về đâu”, anh Minh bộc bạch.

Môi giới chào bán dự án căn hộ. Ảnh: Hải Khoa

Anh Thiện, ngụ quận 7, TP HCM, môi giới làm việc cho công ty bất động sản bán nhà đất tại các tỉnh vùng ven giáp ranh Sài Gòn, cũng rơi vào cảnh tương tự. Công ty cũ của anh tạm đóng cửa 9 tháng qua nhưng chưa thông báo ngày hoạt động trở lại.

Khi công ty ngủ đông (dừng hoạt động), anh Thiện làm môi giới tự do, tham gia vào các hội nhóm của những chung cư để chào mời cho thuê và bán nhà kiếm hoa hồng trang trải cuộc sống, song thu nhập bấp bênh.

“Tết này tôi không có lương thưởng, tiền tích lũy cũng tiêu sạch trong mùa phong tỏa, buồn nhất là tương lai bất định. Tôi đã nộp đơn vào một số công ty bất động sản và cả ngành hàng tiêu dùng, nếu bên nào gọi đi làm trước, tôi sẽ rẽ theo ngành đó để tránh thời gian thất nghiệp dài”, anh Thiện tự đặt mục tiêu.

Xem thêm >>> Tại sao Vinhomes Cần Giờ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn?

Giám đốc kinh doanh một công ty phân phối bất động sản có trụ sở tại khu Tây TP HCM xác nhận, 12 tháng qua nhân sự ngành bất động sản bị xáo trộn và cắt giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thanh khoản thị trường lao dốc, chào bán hàng gặp nhiều thách thức mùa dịch đã khiến tỷ lệ đào thải nhân viên tiếp thị (môi giới địa ốc) tăng cao.

Thông thường, những môi giới không bán được hàng trong một quý sẽ được hỗ trợ thêm nghiệp vụ, không bán được sản phẩm trong 2 quý vẫn ở nhóm thử thách thêm. Nhưng nếu vẫn không bán được hàng trong 3 quý, nhân viên môi giới sẽ được khuyến khích rút lui để tìm cơ hội ở ngành nghề khác phù hợp hơn. Tỷ lệ đào thải môi giới bất động sản trong năm 2021 đã chạm mức tuyển 10 loại 7 (trung bình trong 3-6 tháng tuyển 10 môi giới khả năng đào thải 7 người, trong đó số tự chủ động bỏ cuộc chiếm 50%).

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tại TP HCM, nghề môi giới phân hóa mạnh mẽ và đào thải kỷ lục trong năm 2021 và rất nhiều môi giới đón Tết buồn nhất 7-8 năm qua. Do tác động nặng nề của đại dịch, 12 tháng qua, nhiều sàn địa ốc thu hẹp quy mô, đóng cửa tạm thời thậm chí phá sản.

Chỉ khoảng 25% các công ty môi giới thật sự có tiềm lực đủ sức trụ lại sau đợt dịch Covid lần thứ tư, có thể tái khởi động vào tháng 10 và bán được hàng trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm (quý IV/2021). Trong khi đó, có đến hơn 70% nhóm các công ty môi giới khó duy trì bộ máy, tan rã, khó bắt nhịp trở lại vào cuối năm, dẫn đến 60% môi giới bị đào thải hoặc tự chủ động bỏ nghề.

Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản đánh giá, phần lớn các nhân sự môi giới địa ốc thất nghiệp do công ty phá sản, dừng hoạt động đang chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là có năng lực chuyên môn cao, không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề và xem nghề môi giới là sự nghiệp lâu dài. Nhóm này có cơ hội chuyển sang các công ty quy mô lớn hơn và bám trụ được với nghề.

Nhóm thứ hai là môi giới bất động sản vào nghề theo trào lưu, chớp thời cơ bắt sóng, chạy theo đám đông, tầm nhìn ngắn hạn. Nhóm này chiếm khoảng 60% nguồn nhân sự ở các công ty gặp khó khăn mùa dịch và thường bị đào thải hoặc tự đào thải (chuyển nghề).

Ông Lâm cho hay, qua khảo sát ngành trong năm 2021, cả nước có 300.000 môi giới, chỉ 10% có chứng chỉ hành nghề và chỉ 25% môi giới có năng lực và nghiệp vụ cao. TP HCM có khoảng hơn 100.000 môi giới bất động sản, trong đó 20.000-30.000 người làm việc cho các tổ chức chuyên nghiệp.

Năm Covid thứ nhất (2020) có thể khiến cho các công ty môi giới bất động sản bối rối nhưng vẫn cố gắng cầm cự. Sang năm Covid thứ hai (2021), khả năng phòng vệ của nhóm quy mô vừa và nhỏ gần như không còn vì kiệt quệ nguồn lực, dẫn đến đóng cửa tạm thời hoặc phá sản. Nhân sự môi giới vì vậy cũng bước vào cuộc sàng lọc khắc nghiệt, tan đàn rã đám hàng loạt.

“Nước lên thuyền lên, nước ròng thuyền mắc cạn. Năm 2022, nhân sự ngành môi giới bất động sản trở về với quy luật chuyên môn hóa, những ai đến với ngành này để hớt bọt, đón sóng theo hiệu ứng đám đông sẽ bị đào thải hoặc tự rút lui”, ông nhận định.

(Theo Vnexpress)

Rate this post
error: Content is protected !!