Bài 3: “Hiến kế” phục hồi bền vững du lịch Việt Nam

Có thể nói, đại dịch COVID-19 là thách thức chưa từng có tiền lệ cả về tính chất và quy mô đối với du lịch Việt Nam cũng như cả thế giới. Đại dịch đã, đang và sẽ thay đổi ngành du lịch hết sức sâu sắc, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới đối với phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

Du lịch Việt Nam từng bước phục hồi bền vững – Ảnh: VGP

Theo nhận định và đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về du lịch, các công ty lữ hành, ngành du lịch có khả năng phục hồi tốt nhưng với đặc điểm, mức độ nguy hiểm và quy mô lây nhiễm của đại dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay, rất khó để có thể đưa ra được các dự báo về tình hình phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung. Tuy nhiên, chắc chắn du lịch quốc tế sẽ mất nhiều thời gian hơn để khôi phục hơn so với du lịch nội địa.

Đồng bộ các giải pháp phục hồi du lịch

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, xuất phát từ thực tế ngành du lịch trước tác động của đại dịch COVID-19 thời gian qua có thể thấy vấn đề đặt ra trong thời gian trước mắt, ưu tiên số 1 là duy trì khả năng tồn tại với việc tăng cường kiểm soát chi phí, đàm phán với các đối tác, mở rộng lĩnh vực kinh doanh để đa dạng nguồn thu, tìm hiểu mô hình kinh doanh du lịch mới. Về lâu dài, thực hiện chuyển đổi số, đầu tư sản phẩm phù hợp, bảo đảm nhân sự nòng cốt, tìm kiếm, liên kết với các đối tác mới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị mục tiêu chính sách trong ngắn hạn đối với phục hồi du lịch Việt Nam là bảo đảm các điều kiện phù hợp về an toàn và tài chính để các doanh nghiệp lữ hành và các nhà cung ứng dịch vụ có thể đáp ứng được nhu cầu du lịch nội địa; đồng thời ưu tiên bảo vệ những đối tượng phụ thuộc vào du lịch có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và dễ bị tổn thương.

Theo ông, Việt Nam có đường bờ biển dài và tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch di sản phong phú nên tùy tình hình diễn biến của dịch COVID-19 trong trung hạn mà có thể thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp điều kiện “bình thường mới”: Du lịch quy mô nhỏ, khoảng cách ngắn, khám phá cộng đồng của chính địa phương mình hoặc lân cận, sử dụng ngôi nhà thứ hai hoặc nhà người thân. Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp địa phương và giải trí trong điều kiện giãn cách xã hội…

Xem thêm >>> TẠI SAO CONTENT MARKETING VẪN LÀ VUA TRONG DIGITAL MARKETING?

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, du lịch được dự báo là ngành kinh tế có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch. Do đó, để phục hồi và phát triển thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, ngành du lịch cần triển khai đồng bộ các giải pháp bền vững như: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại với phát triển du lịch.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hoạt động chủ yếu trong du lịch đang và sẽ tiếp tục được thay đổi, trong đó cần phải đổi mới công tác xúc tiến du lịch.

Trước hết, cần ứng dụng mạnh mẽ maketing số, internet vạn vật; số hóa các tài nguyên du lịch; khai thác các mạng xã hội để đưa thông tin du lịch đến với cả thế giới… Đồng thời, tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động trực tuyến (hội thảo, hội nghị trực tuyến, hội chợ trực tuyến, đại hội trực tuyến…). Phối hợp giữa các hoạt động xúc tiến trực tiếp và trực tuyến đang trở thành xu thế của công tác xúc tiến du lịch.

Thứ hai là đổi mới công tác xây dựng sản phẩm du lịch. Xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch mới phù hợp với trạng thái “bình thường mới”.

Thứ ba là đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp chủ động từng bước ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động: Xây dựng hệ thống quản lý và điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp; áp dụng kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử.

Quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam an toàn và hấp dẫn        

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho rằng, cần triển khai kịp thời các biện pháp để thúc đẩy, phục hồi và phát triển du lịch những tháng cuối năm 2021 và năm 2022; kịp thời tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước phục hồi và phát triển trong tình hình mới, tập trung thu hút khách du lịch nội địa làm chủ đạo.

Cụ thể, theo ông Bùi Văn Mạnh, cần hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các hoạt động phục hồi du lịch như: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm; chuẩn bị phương án/kịch bản ứng phó với các ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… cho người lao động trực tiếp và đội ngũ quản lý của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch.

Phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nghề, kỹ năng cho người lao động trong lĩnh vực du lịch (quản lý cơ sở lưu trú, lễ tân, bàn, hướng dẫn viên…). Thực hiện các chương trình ưu đãi, gói tín dụng hỗ trợ đối với doanh nghiệp để hoạt động khôi phục kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu chung của địa phương về du lịch; xây dựng hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Xây dựng các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và theo giai đoạn thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Instagram, Zalo; quảng bá trên các trang marketing online, triển khai bản tin du lịch điện tử (e-newsletter); nâng cấp tính năng của các ứng dụng di động, website du lịch của tỉnh phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách du lịch.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhấn mạnh đến việc liên kết du lịch giữa các địa phương, chia sẻ nguồn tài nguyên du lịch giữa các địa phương và đơn vị lữ hành. Ông Cao Trí Dũng cho biết, hiện nay, ở khu vực miền Trung đã xây dựng sản phẩm chung giữa Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế – Quảng Nam để hình thành nên con đường di sản, các sản phẩm du lịch từ biển… để tăng sức hấp dẫn cho du khách.

Sở Du lịch Hà Nội cũng đặt ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phục hồi và phát triển hoạt động du lịch một cách bền vững như: Bảo đảm an toàn tại các điểm đến và khách du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu mới của thị trường; Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lĩnh vực du lịch; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch; Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế.

Để nắm bắt các cơ hội cho phục hồi ngành du lịch, mới đây tại Diễn đàn Du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước thì các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp để cùng chung tay khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, đối với thị trường nội địa: Trước hết mở cửa cho các hoạt động phục vụ khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch, đồng thời có những biện pháp xử lý sự cố y tế phát sinh. Tiến tới trao đổi khách giữa các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 và mở rộng hoạt động du lịch nội địa.

Đối với thị trường quốc tế: Triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế; từng bước mở rộng ra nhiều địa phương, điểm đến bảo đảm các phương án phòng, chống dịch, đón khách du lịch bảo đảm các tiêu chí về an toàn.

Với các địa phương, điểm đến, cần có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động, khôi phục hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, thúc đẩy các liên kết du lịch vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương; tập trung các địa bàn trọng điểm và các địa phương có năng lực phát triển sản phẩm mới, cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn và hấp dẫn…

(Theo baochinhphu.vn)

Rate this post
error: Content is protected !!