Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) 21.346,33 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản.
Chiều 2/7, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã chủ trì cuộc họp báo công bố công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2022.
Tăng hiệu quả sử dụng tài sản công, chống tham nhũng lãng phí
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động kiểm toán của KTNN đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Năm 2023, KTNN đã xây dựng Kế hoạch kiểm toán bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…
Phó Tổng KTNN nhấn mạnh: Hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước; cũng như kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công. Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện những vấn đề, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, KTNN sẽ kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xem xét xử lý theo quy định.
Thời gian qua, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Trong tổng số 40 vụ việc, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định) và một số cuộc khác cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới.
Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cho biết, trong quá trình phối hợp KTNN luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tất cả các vụ việc không phải là việc đơn giản, nhiều vấn đề cần có thời gian để điều tra, xác minh.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Vũ Ngọc Tuấn: Năm 2023, KTNN đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) 21.346,33 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản…
Đồng thời, kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2023.
Về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023, ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết, liên quan đến kiến nghị tài chính qua kiểm toán năm 2022 (niên độ kiểm toán năm 2021), tính đến 31/12/2023 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN 31.719,05 tỷ đồng đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác 30.566,16 tỷ đồng đạt tỷ lệ 83%…
Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 98/270 nội dung/văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác các đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi theo quy định.
>>> Xem thêm: Lễ công bố Sao Vàng Doanh nhân Đất Việt 2024
Quyết liệt phòng, chống tham nhũng trong quá trình kiểm toán
Đại diện KTNN cũng giải đáp về điều hành chính sách tín dụng cũng như triển khai chính sách hỗ trợ.
Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán Chuyên đề “Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục và phát triển kinh tế – xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43 cho biết: Năm 2023, KTNN đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn này và khuyến nghị công trình nào đến năm 2024 không hoàn thành thì chuyển thành công trình đầu tư công và coi Nghị quyết 43 đã kết thúc “sứ mệnh”.
Dù hết thời hạn nhưng đến nay vẫn còn một số dự án chưa phê duyệt được dự án đầu tư nên chưa thể triển khai thực hiện, chưa phân bổ hết một lượng lớn nguồn lực của Chương trình.
Tại các địa phương, các dự án chậm triển khai tác động trực tiếp đến việc không hoàn thành được mục tiêu cấp thiết đầu tư của các dự án như theo yêu cầu tại Nghị quyết.
KTNN cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm phân bổ, giải ngân vốn của chương trình.
Giao kế hoạch vốn Chương trình còn chậm trễ, chưa đảm bảo mốc thời gian theo yêu cầu, còn có trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương từ khâu lựa chọn danh mục. Các địa phương lựa chọn danh mục các dự án tham gia Chương trình hầu hết là các dự án chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025..
Chính vì vậy, thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư để đáp ứng yêu cầu được giao vốn thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công còn mất nhiều thời gian, kéo theo chậm trễ trong việc trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương, thực hiện đầu tư và thực hiện giải ngân kế hoạch vốn của chương trình, các địa phương còn chưa có giải pháp quyết liệt để hoàn thành theo đúng cam kết khi tham gia thực hiện chương trình cũng là một trong những nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện dự án…
Ông Vũ Văn Cường, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII, cho biết: Năm 2022, nền kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có nội dung hỗ trợ cho các doanh nghiệp về nguồn vốn. Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31, ông Vũ Văn Cường cho biết: Mục tiêu của gói hỗ trợ lãi suất là tốt. NHNN đã nhiều lần họp, bàn với các cơ quan, ban, ngành về việc triển khai gói hỗ trợ này. Bản thân các doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ. Các ngân hàng thương mại cũng rất tâm huyết. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai gói hỗ trợ chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng đề ra.
Cụ thể, đến ngày 31/12/2022, số tiền đã hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 134 tỷ đồng, bằng 0,8%/tổng hạn mức hỗ trợ lãi suất đăng ký và được phê duyệt, đạt 0,84% kế hoạch năm 2022 (16.034,9 tỷ đồng); 15/44 ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất; 14/44 ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất dưới 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hoàn thành tốt việc tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ, kịp thời giải ngân tới các đối tượng, hỗ trợ người nghèo.
Về việc một số ngân hàng có dấu hiệu rủi ro, ông Vũ Văn Cường khẳng định: KTNN chỉ kiểm toán các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước còn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm toán tại NHNN, KTNN đã có kiến nghị liên quan đến giám sát hoạt động ngân hàng giúp NHNN đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp để tránh thất thoát tài sản nhà nước tại đơn vị được kiểm toán, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống ngân hàng.
Giải đáp câu hỏi về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ KTNN theo Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị, ông Lưu Trường Kháng, Chánh Thanh tra KTNN khẳng định: KTNN đã quán triệt, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành KTNN theo tinh thần của Quy định.
Thời điểm quý IV/2023, KTNN đã triển khai xây dựng các văn bản quản lý về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
KTNN đã xây dựng Quy chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra KTNN trên cơ sở quy định của Luật và quy định của Đảng…Chánh Thanh tra Lưu Trường Kháng cũng cho biết, bên cạnh những quy trình, quy chế nêu trên, hàng năm, KTNN là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện rất nghiêm túc việc kê khai, xác minh tài sản.
“Trong thời gian tới, Thanh tra KTNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò thanh tra, trong đó tập trung chủ yếu vào thanh tra công chức, công vụ; đồng thời nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong hoạt động kiểm toán của các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, kiểm toán viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm toán, qua đó góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán”, Chánh Thanh tra KTNN khẳng định.
Nguồn: Báo chính phủ
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!