Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên tập trung triển khai nhiều giải pháp đưa chương trình đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
>>> Xem thêm: Lễ công bố Sao Vàng Doanh nhân Đất Việt 2024
Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Năm 2024 phấn đấu đạt mục tiêu có ít nhất 20 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; củng cố, nâng cấp, đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng theo nhu cầu của các chủ thể. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã, huyện trong triển khai chương trình OCOP, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến cấp xã, xóm; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các Cổng thông tin điện tử (website OCOP Thái Nguyên, website nông thôn mới Thái Nguyên), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang…), hệ thống loa truyền thanh,…; xây dựng pano, áp phích, khẩu hiệu về chương trình OCOP tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí viết bài tuyên truyền, xây dựng clip, phóng sự tuyên truyền về chương trình OCOP.
Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai chương trình OCOP cấp huyện, xã và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể OCOP về: chuyển đổi số; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; các kỹ năng về quản trị; marketing, bán hàng; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn; xúc tiến thương mại…
Tăng cường chuyển đổi số trong OCOP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quá trình triển khai thực hiện. Số hóa quy trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên phần mềm; số hóa sản phẩm và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP. Đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online),…; hỗ trợ các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ thiết kế bao bì, mẫu mã và in tem, hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; xây dựng website sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm tham gia Chu trình OCOP.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn. Gắn sản phẩm OCOP với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.
Thống kê từ năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Nguyên đã hỗ trợ xây dựng, hình thành trên 130 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp xã, trên 20 điểm cấp huyện; phối hợp xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu, đặc sản của tỉnh tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng và Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Tính đến tháng 3/2024, Thái Nguyên đã có 240 sản phẩm OCOP (trong đó có 149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao). Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Nhiều sản phẩm được thiết kế với mẫu mã đẹp mắt, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa. Các sản phẩm đã ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị, uy tín trên thị trường.
Nguồn: Báo chính phủ
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!