Xây dựng quy chuẩn quốc gia về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn. Bộ cũng sẽ có hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

Chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn

>>> Xem thêm: Lễ công bố Thương hiệu tiêu biểu châu Á Thái Bình Dương năm 2024

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.

Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, có 16 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định quản lý chi tiết về chất thải rắn sinh hoạt trong đó có công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Ngoài ra, một số địa phương tuy chưa ban hành quyết định về quản lý nhưng đã có hướng dẫn về mô hình phân loại rác tại nguồn, tại các hộ gia đình, đã được triển khai tại 14 địa phương. Như vậy, đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình.

Để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả hơn nữa, Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định số 1062/QĐ-BTNMT về kế hoạch triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Kế hoạch nhằm tập trung các nguồn lực triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tăng cường vai trò của các bên có liên quan trong công tác quản lý CTRSH; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc triển khai các quy định về phân loại tại nguồn, quản lý và thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Theo kế hoạch, Bộ TN&MT sẽ xây dựng, ban hành 3 thông tư, 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 1 hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến quản lý CTRSH, bao gồm: Thông tư về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại; Thông tư quy định định mức kinh tế – kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, chất thải sinh hoạt sau phân loại và xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý chất thải thực phẩn thành mùn; Thông tư quy định định mức kinh tế – kỹ thuật hoạt động xử lý CTRSH bằng các phương pháp còn lại; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt CTRSH; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn; Hướng dẫn mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện sổ tay hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân gửi các địa phương để tham khảo, áp dụng trên địa bàn và ban hành hướng dẫn mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn. Đồng thời, tổ chức các đoàn làm việc của Bộ TN&MT với Ủy ban nhân dân một số địa phương để đôn đốc tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân; Tổ chức 3 hội thảo chuyên đề cấp vùng về công tác quản lý và hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Cùng với đó, các cơ qua cũng sẽ triển khai các chương trình truyền thông đến các đối tượng với nhiều hình thức. Nội dung thông tin, tuyên truyền cần tập trung và quan điểm, chỉ đạo về việc thực hiện các quy định về phân loại CTRSH tại nguồn, chi phí thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân; công tác chuẩn bị thực thi nhiệm vụ tuyên truyền tại các Sở TN&MT và các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan; hướng dẫn về quy trình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, nâng cao nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường và lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình; hướng dẫn về cách phân loại, thu gom và lưu giữ chất thải rắn nguy hại…

Ngoài ra, tuyên truyền về những ảnh hưởng và tác hại của chất thải nguy hại sinh hoạt đối với đời sống và sức khỏe con người; truyền thông về xử lý, tái chế CTRSH (thông tin về các nhà máy xử lý, tái chế CTRSH, phương pháp, công nghệ xử lý; trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (EPR)…); vận động hộ gia đình, cá nhân phân loại CTRSH tại nhà; phản ánh những khó khăn vướng mắc từ người dân, doanh nghiệp trong việc thực thi các quy định về phân loại, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; giới thiệu những mô hình điển hình về phân loại rác tại nguồn phù hợp với từng khu vực nông thôn, đô thị, khu vực miền núi, ven biển, hải đảo, trong nước và quốc tế.

Nguồn: Báo chính phủ

Rate this post
error: Content is protected !!