Việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hà Nội đã và đang góp phần phát triển kinh tế Thủ đô, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội là những khó khăn về sức ép cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp nội phải “đi bằng hai chân”, nỗ lực hơn để vươn lên.
Xem thêm >>> MỜI ĐĂNG KÍ THAM DỰ LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU MẠNH ASEAN 2023 TẠI MALAYSIA
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh.
– Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về tình hình thu hút đầu tư FDI của TP. Hà Nội hiện nay?
Ông Mạc Quốc Anh: TP. Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
Sự tăng trưởng của Hà Nội thể hiện qua việc tổng thu ngân sách trên địa bàn đã tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021; số nhà đầu tư cũng như tăng trưởng về số vốn của các nhà đầu tư tìm kiếm vào Hà Nội đã tăng trưởng trên 2 con số.
Cùng với đó, môi trường kinh doanh của Hà Nội hiện đã tiếp cận được các nền kinh tế hiện đại trong khu vực và trên thế giới, nghĩa là các thủ tục hành chính đang nâng từ cấp độ 3 lên cấp độ 4, đạt trên 70%; các thủ tục hành chính không cần giấy tờ mà chỉ sử dụng bằng công nghệ, các mã quét, mã vạch đã được triển khai; các thông tin về mặt quy hoạch, các dự án, thủ tục về cấp phép, các giấy chứng nhận, giám sát, kiểm tra, hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong các thủ tục đều được đẩy nhanh.
Ngoài ra, các thủ tục khó đều được các cơ quan quản lý nhà nước, các hệ thống văn phòng ủy ban, các sở ngành trên địa bàn Thành phố giải quyết một cách nhanh chóng. Qua đó, tiết kiệm thời gian, giấy tờ, nguồn lực và đặc biệt là các chi phí chính thức được cắt giảm rõ rệt…
Doanh nghiệp nội chịu sức ép cạnh tranh
– TP. Hà Nội đang đẩy mạnh tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là các doanh nghiệp nội đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà đầu tư ngoại. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Ông Mạc Quốc Anh: Ở góc độ thị trường, thị trường nội địa đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài bởi họ có tiềm lực tài chính, quản trị, khả năng về thương mại quốc tế cao. Vốn đầu tư nước ngoài khi đưa vào thị trường Việt Nam thường ở giá rất rẻ và ưu đãi bởi vì các nước đó hay có ưu tiên cho những doanh nghiệp nào mà đầu tư vươn ra ngoài lãnh thổ của họ và tập trung cho hoạt động xuất khẩu sang nước thứ ba.
Thứ hai, trong một chuỗi giá trị cung ứng, các doanh nghiệp nước ngoài luôn có ưu tiên hơn, nghĩa là họ luôn “setup” hệ thống các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của họ, đưa từ nước họ sang. Do vậy, việc doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa các sản phẩm hàng, hóa dịch vụ của mình vào chuỗi cung ứng đó là rất khó.
Thứ ba, tính pháp lý của họ cũng tương đối là chặt chẽ, mang tính bảo hộ trong vấn đề song phương và đa phương khi ký kết các hợp tác thương mại đầu tư chuyển giao thì họ sẽ có ưu tiên hơn. Như vậy lợi thế cạnh tranh đang nghiêng về phía họ nhiều hơn.
Xem thêm >>> MỜI ĐĂNG KÍ THAM DỰ LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU MẠNH VIỆT NAM 2023 TẠI TP.HCM
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp FDI
– Vậy doanh nghiệp nội, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần làm gì để vượt qua những thách thức đó, thưa ông?
Ông Mạc Quốc Anh: Việc đầu tiên là doanh nghiệp chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội về các chính sách, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành để phát triển sản xuất, kinh doanh… Bởi vì khi chúng ta làm tốt thì chúng ta sẽ có đủ sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp quốc tế đang đầu tư tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Đồng thời, phải tận dụng các chính sách về thuế, phí được giảm; thực hiện các thủ tuc thông quan, hải quan, các chương trình gia nhập thị trường; tham dự tích cực các chương trình hội nghị đối thoại để làm sao chúng ta tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng phải tận dụng thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, không nên bỏ ngỏ thị trường này bởi vì thị trường nội địa mới là “bàn đạp” để chúng ta vươn ra thị trường thế giới. Song song với đó, cần đẩy mạnh các hoạt động giao thương trên môi trường số, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hài hòa giữa truyền thống và điện tử. …
Để đẩy mạnh liên kết hợp tác với các doanh nghiệp FDI thì bản thân doanh nghiệp nội cũng phải thay đổi lớn và mạnh mẽ từ quy trình, nhân sự, minh bạch về tài chính, công tác thị trường phải lớn hơn, rộng hơn.
Đặc biệt là trong hợp tác FDI, hoàn thiện sản phẩm từ độ thô, độ tinh phải là quá trình dài, phải tinh hơn trong từng sản phẩm, đạt được tiêu chuẩn, tiêu chí mà doanh nghiệp FDI đặt ra. Việc hợp tác với các doanh nghiệp FDI sẽ nâng tầm doanh nghiệp Việt khi chúng ta tiếp cận được công nghệ lõi, quy trình quản trị thương mại quốc tế của các doanh nghiệp FDI, khi chúng ta muốn mở rộng thị trường ra quốc tế…
Cần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội
-Vậy thưa ông, doanh nghiệp có mong muốn gì từ cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư để tiếp tục yên tâm và phát triển sản xuất kinh doanh?
Ông Mạc Quốc Anh: Chúng ta đang có chính sách điều hành về tiền tệ và tài khóa, đó là các chính sách giảm thuế. Ví dụ, Thuế GTGT từ năm ngoái đã giảm từ 10% xuống 8%, Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 25% xuống 20% và 17%.
Để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mong muốn Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT, các sở, ban, ngành tích cực tư vấn, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, tư vấn chuyển giao giúp doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, tạo chuỗi giá trị chặt chẽ để làm sao hàng hóa chúng ta từ nguyên liệu đầu vào, từ quy trình sản xuất đến quá trình bán ra sẽ tạo thành một chuỗi. Từ đó, giảm được giá bán, giá trị sản xuất thì sẽ tăng được sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Đối với công tác thị trường, cần đẩy mạnh thị trường nội địa; ưu tiên thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp có những sản phẩm dịch vụ xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
– Làm thế nào để Hà Nội có thể thu hút đầu tư nước ngoài được nhiều hơn và vẫn bảo đảm lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp nội, thưa ông?
Ông Mạc Quốc Anh: Đầu tiên về mặt thông tin, chúng ta cần cung cấp thông tin một cách hiệu quả, nhanh chóng, công bằng cho tất cả các chủ thể, các đối tượng mà có nhu cầu muốn tham gia đầu tư vào Hà Nội.
Thứ hai, khâu thực thi và triển khai các chương trình hỗ trợ, tư vấn, cấp phép, hướng dẫn cần làm quyết liệt; có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ khâu thực thi đến khâu kết quả, trong đó có sự đánh giá, sơ kết, tổng kết các chương trình hành động hết sức cụ thể.
Thứ 3 là chia nhóm ngành nghề cụ thể của các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Hà Nội và Hà Nội phải là một trung tâm của chuỗi cung ứng, không chỉ ở Hà Nội mà phải liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành, các địa bàn trên cả nước, khu vực và thế giới.
Thứ tư là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đặc biệt là nâng cao chỉ số đánh giá của các công chức, viên chức đang thực thi công vụ; cố gắng cắt giảm tối đa các chi phí chính thức cho doanh nghiệp. Áp dụng các công nghệ thông tin, điều hành về văn phòng hiện đại, thông minh để làm sao giảm tải được bớt các thủ tục hành chính, không chỉ cho người dân và doanh nghiệp mà quan trọng nhất là giảm tải được các khâu cho các công chức, viên chức đang thực thi công vụ.
Việc nữa tôi nghĩ vô cùng quan trọng, đó là cắt giảm vị trí việc làm nào mà không cần thiết và tăng mức lương cho công chức, viên chức làm các công việc thực thi cho người dân và doanh nghiệp, vì chỉ có như vậy mới tạo thêm động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thu hút được đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Chinhphu.vn
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!