Có câu ‘người nói vô tâm, người nghe hữu ý’, nghĩa là một lời nói vô ý cũng có thể làm sứt mẻ tình cảm.
Để tránh những “tai bay vạ gió” từ miệng mà ra, dưới đây là những điều dù thân đến đâu cũng không thể nói.
1. Những thứ khó nói
Ai cũng có những bí mật không thể nói ra, một khi đã thốt ra khỏi miệng sẽ khiến nhau khó xử. Dù là bạn thân của nhau, cũng đừng nói ra những điều khiến nhau lúng túng.
Ví dụ, khi bạn đang rất cần hỗ trợ tài chính mà biết người bạn không có tiền, thì đừng nên nói ra. Nếu người bạn đồng ý, anh ấy có thể phải vay mượn đâu đó cho bạn, nếu anh ấy không thể sẽ cảm thấy áy náy, xấu hổ với bạn. Trong trường hợp này, hãy cố gắng tự thân vận động.
2. Khiếm khuyết rõ ràng của đối phương
Nhiều người nghĩ mình tính “thẳng ruột ngựa” nên cứ hồn nhiên nói ra những điểm chưa tốt của người khác. Chẳng hạn, một số cô gái có thân hình mập mạp, họ cũng buồn và mặc cảm, họ cũng cố gắng thay đổi cho mình ưa nhìn hơn. Song vẫn có một số người tự cho mình là đúng, hết lần này đến lần khác mang nỗi đau của họ ra nói, khuyên họ ăn ít đi, giảm cân đi.
Trên thực tế, kiểu cư xử này không giúp ích được gì cho đối phương, mà chỉ khiến đối phương xấu hổ. Người bạn chân chính là người chỉ ra đúng lúc, đúng chỗ những điều cần cải thiện của đối phương, giúp họ sửa chữa.
Xem thêm >>> BE YOURSELF – BE HAPPY: LÀ CHÍNH BẠN VÀ HẠNH PHÚC
3. Những điều còn chưa chính xác
Dù là mối quan hệ nào thì điều quan trọng nhất là phải tin tưởng lẫn nhau. Sự tan vỡ của tình yêu cho đến tình bạn, thường bắt đầu từ những nghi ngờ. Đặc biệt đối với các cặp đôi, một khi nói ra sự nghi ngờ sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ.
Vì vậy, khi còn nghi ngờ người khác nhưng chưa thể xác nhận, đừng tùy tiện nói ra mà hãy yên lặng chờ xem chuyển biến. Ngay cả khi là sự thật, cũng chưa nên công bố ra, cho đến khi nó được xác nhận.
4. Chuyện chưa tường tận
Một số người khi giao tiếp với người khác luôn mong muốn được bày tỏ ý kiến của mình, nhưng thực ra họ chưa hiểu rõ lắm. Lúc này những gì họ nói ra chỉ như gáo nước hất đi, nhạt nhẽo, ít giá trị, khiến người ta chê cười.
Trong một cuộc trò chuyện khi mà chưa tường tận vấn đề, không nên gấp gáp bày tỏ ý kiến của mình. Im lặng lắng nghe những gì người khác, đánh giá vấn đề và chỉ bày tỏ ý kiến sau khi hiểu toàn diện vấn đề.
5. Lời tâng bốc
Luôn có một số người có thói quen tâng bốc khi tiếp xúc với người khác, đồng thời cũng có một số người thích được người khác tâng bốc. Việc tâng bốc có thể thỏa mãn hư vinh phù phiếm, đồng thời cũng cho thấy sự giả tạo của một người.
Người có thực lực thật sự sẽ chán ghét những người thích tâng bốc. Người muốn vươn lên thì không nên xu nịnh mà hãy chứng minh bằng thực lực. Và càng thân thiết, càng không nên xu nịnh, vì sẽ khiến người kia cảm thấy bạn không chân thành.
6. Đùa quá trớn
Luôn có một số người nghĩ rằng có mối quan hệ thân thiết với đối phương là có thể đùa giỡn tùy ý. Trò đùa phải làm cho cả hai bên đều cảm thấy vui vẻ, còn nếu làm tổn thương người kia, không còn là đùa nữa.
Nhiều mối quan hệ đã tan vỡ, thậm chí đã có án mạng đã xảy ra chỉ vì những trò đùa. Đáng buồn hơn, khi những bi kịch như vậy có khởi đầu từ tình bạn. Vì thế, đùa quá trớn là một trong sáu tối kỵ không nên nói ra, dù mối quan hệ có thân tới đâu.
(Theo Aboluowang)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!