Gia đình có thịnh vượng hay không đều không thể tách rời các thành viên trong gia đình.
Ai cũng mong mỏi rằng, dù cuộc đời sóng gió thế nào thì vẫn còn gia đình là chốn quay về trú bão, luôn có những người ruột thịt vì mình mà ấm áp. Lập gia đình không đơn giản, cùng vun đắp một gia đình thịnh vượng càng không hề dễ dàng. Tất cả đều cần sự gắn kết không thể tách rời của các thành viên và đặc biệt là 4 “bảo vật” vô giá – nền tảng bền vững nhất, giúp gia đình êm ấm, thịnh vượng ngay từ bên trong.
1. Sự hòa thuận và tử tế
Có câu “gia hòa vạn sự hưng”, nếu muốn có một gia đình thịnh vượng, thì sự hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình là điều quan trọng nhất. Ngay cả với những người thân trong gia đình, lịch sự và tử tế vẫn là điều cần thiết. Điều này có vẻ xa lạ, nhưng không bất ngờ chút nào.
Vào thời cổ đại, có rất nhiều nguyên tắc được đặt ra trong các mối quan hệ giữa những người trong gia đình, giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ chồng… các loại nghi thức khác nhau. Ví dụ như không được tùy ý hô to gọi nhỏ với người lớn trong nhà, đối với vợ chồng phải tương thân tương ái…
Chỉ có hòa thuận, gia đình mới có thể thịnh vượng. Hòa thuận và tử tế giúp cho các thành viên trong gia đình gắn kết hơn. Gia đình về cơ bản cũng là một nhóm trong xã hội, thực hiện chung một mục tiêu và cùng nhau làm việc thì cần hòa thuận và tử tế. Nếu giữa những người trong gia đình không hòa hợp và tồn tại những khúc mắc, làm sao mọi người có thể cùng nhau đoàn kết và tiến lên?
Hòa thuận sẽ làm cho gia đình càng ngày càng phát triển. Câu nói “hòa khí sinh tài” không phải là không có đạo lí. Chỉ có duy trì quan hệ tốt giữa các thành viên, phú quý trong gia đình mới có thể ngày càng trở nên thịnh vượng.
2. Thấu hiểu
Không ai là hoàn hảo, cần có thời gian để các thành viên trong gia đình tìm hiểu lẫn nhau, sau đó thấu hiểu nhau. Tục ngữ có câu “tu trăm năm mới ngồi chung thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối”. Dù là mối quan hệ cha mẹ – con cái, vợ – chồng hay anh – chị em, phải là định mệnh, phải có duyên phận chúng ta mới có thể ở cùng nhau. Vì thế, hãy trân trọng gia đình, người thân.
Bất kể gia đình có hòa thuận thế nào, những bất đồng và mâu thuẫn luôn tồn tại. Khi những điều này xảy ra, quan tâm và suy nghĩ cho nhau là điều cần thiết, hãy xem xét vấn đề từ khía cạnh của những người khác nhiều hơn. Chỉ có như thế, chúng ta mới giải quyết được mọi mâu thuẫn một cách đơn giản nhất và gây ít tổn thương nhất.
Chúng ta không thể nào đối tốt với người ngoài và tệ bạc với người nhà. Điều này sẽ càng làm cho quan hệ giữa những người trong gia đình càng trở nên xa cách. Một khi gia đình không đoàn kết, sẽ khó mà thịnh vượng.
Mặc dù việc thấu hiểu không thể chỉ là hành động của một thành viên trong gia đình, nhưng nó phải được bắt đầu từ bạn. Có một người dẫn đầu, những người khác sẽ noi theo. Nói chung, hãy đặt mình vào vị trí của người khác. Đừng nghĩ rằng bạn đối xử với những người trong gia đình thế nào cũng được, họ là những người cần nhất sự quan tâm, thấu hiểu và tình yêu của bạn.
3. Kính già yêu trẻ
Kính già yêu trẻ là truyền thống tốt đẹp mà mỗi người trong gia đình đều cần phải có, là điều căn bản khi làm người. Nếu một người trong gia đình không tôn trọng người già và yêu thương trẻ nhỏ, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những đứa trẻ sẽ không học được chữ hiếu từ những người lớn trong nhà.
Muốn một gia đình thực sự phát triển, không có gì cần thiết hơn một trái tim chân thành, tràn đầy yêu thương. Dù già hay trẻ, họ vĩnh viễn là người thân của bạn, là những người quan trọng nhất trong cuộc sống, vì vậy hãy trân trọng điều quý giá này, cuộc sống là hữu hạn.
4. Đồng tâm hiệp lực
Có câu “đồng tâm hiệp lực, núi có thể dời”. Tất cả mọi người cùng hợp sức thực hiện một mục tiêu chính có thể tạo ra động lực mạnh nhất, tạo ra bất cứ phép màu nào. Khi những người trong gia đình đồng tâm hiệp lực, cùng nhau góp sức, bất kể gặp phải khó khăn gì đều có thể giải quyết một cách dễ dàng. Điều đó cũng làm cả gia đình đoàn kết hơn, hạnh phúc hơn.
Nếu mỗi người đều khăng khăng giữ ý kiến riêng của mình, làm theo cách riêng của mình, gia đình sẽ không thể hợp thành một thể thống nhất. Nếu gia đình bạn chưa có điều này, hãy bắt đầu với chính mình. Hãy cố tạo ra một bầu không khí chung cho các thành viên, tập hợp mọi người để giao tiếp và bàn bạc, thảo luận để đạt được tiếng nói chung mà toàn bộ mọi người có thể chấp nhận.
Quan trọng nhất để làm được điều này chính là sự giao tiếp giữa mọi người. Chỉ cần mọi người sẵn lòng nói ra, không có gì là khó hiểu, khó đạt được.
Theo Baidu
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!