Để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp, NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về phương án cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn với thời hạn hỗ trợ đến hết năm 2024.
>>> Xem thêm: Chương trình Thương hiệu tín nhiệm hàng đầu châu Á – ASIAN TOP BRAND AWARDS 2024
Gia hạn cơ cấu nợ, quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Tại cuộc họp báo quý 1 năm 2024 của NHNN, lãnh đạo NHNN cho biết: Ngay từ cuối năm 2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Mặc dù NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Trong đó, có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động…
Đến tháng 3, tín dụng đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Lãnh đạo NHNN cho biết: NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau bốn lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hiện lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm so với cuối năm 2023. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, cơ quan này sẽ chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống…
Để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp, NHNN đã ban hành Thông tư 02 ngày 23/4/2023, quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn với thời hạn hỗ trợ đến hết 30/6/2024. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay: NHNN đã phối hợp các bộ ngành rà soát, báo cáo đánh giá tác động các kết quả thực hiện Thông tư 02 báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những điều chỉnh. Hiện Văn phòng Chính phủ đang đang lấy ý kiến thêm của Bộ Tư pháp. Trong bối cảnh hiện tại DN chưa hết khó khăn, NHNN bám sát chỉ đạo Thủ tướng để triển khai xây dựng cơ chế theo định hướng kéo dài hỗ trợ việc cơ cấu nợ đến hết năm 2024 (thêm 6 tháng).
“Chính sách nào cũng có 2 mặt, trước mắt dự kiến kéo dài hết năm 2024, sau đó, NHNN sẽ có đánh giá tác động”, ông Nguyễn Xuân Bắc nói.
>>> Xem thêm: Chương trình Thương hiệu mạnh ASEAN 2024
Về lãi suất, NHNN cho hay, theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm.
Về công khai lãi suất, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã liên tục chỉ đạo các TCTD công khai niêm yết lãi suất cho vay bình quân trên website.
Đến nay, theo thống kê các NHTM đều công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động trên website các ngân hàng. Tuy nhiên, cách thức công bố của các ngân hàng khác nhau, đôi khi tìm kiếm thông tin chưa thuận lợi. Hơn nữa, phương pháp tính lãi các ngân hàng không đồng nhất gây khó khăn nhất định trong so sánh người gửi tiền cho vay.
“Việc công bố lãi suất là trách nhiệm quyền lợi của các NHTM trong việc cạnh tranh, nếu các ngân hàng không công bố rõ ràng thì dẫn đến khó khăn cạnh tranh. Do đó, việc công bối lãi suất là chủ trương đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy các NHTM thời gian tới minh bạch hơn. Với giác độ quản lý, NHNN sẽ phối hợp các NHTM rà soát chấn chỉnh chỉ đạo các NHTM công bố thông tin chậm…”, ông Phạm Chí Quang khẳng định.
Đẩy mạnh giải ngân gói 120 nghìn tỷ
Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư hiện nay tỉ lệ giải ngân khá thấp. Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin thêm: Gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay lãi suất giảm từ 1,5% với nhà đầu tư cũng như người mua nhà, phần giảm này tính dùng nguồn lực từ chính các NHTM. Các đối tượng 2 gói này do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì quy định, còn NHNN chỉ thực hiện cho cho vay theo quy định bình thường. Chương trình này có thể kéo dài đến 2030 hoặc kéo đến hết khi giải ngân hết 120 nghìn tỷ đồng.
Đây không phải là “gói” duy nhất phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ còn có chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (hỗ trợ bằng vốn ngân sách) với lãi suất 4,8% thời hạn cho vay 15-20 năm giành cho người khó khăn có thu nhập thấp. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà ở xã hội cho người dân, điều chỉnh là cơ cấu nguồn cung tránh tình trạng nhà cao cấp quá nhiều trong khi nguồn cung nhà xã hội thấp.
Thời gian qua, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là tìm cách để giảm lãi suất hơn nữa, NHNN cũng đang tích cực đánh giá tác động, chỉ đạo các NHTM tích cực triển khai để gói 120 nghìn tỷ đồng đi vào cuộc sống, tuy nhiên, việc giảm lãi suất cụ thể thế nào cũng tùy thuộc vào các ngân hàng thương mại, bảo đảm cơ chế hài hòa.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Các ngân hàng cũng rất muốn tăng tốc giải ngân tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo đó, các khoản vay vẫn phải đạt tối thiểu các điều kiện tín dụng, đồng thời các dự án phải bảo đảm yếu tố pháp lý. Vừa qua, NHNN, Bộ Xây dựng cũng đã tích cực tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng. Bên cạnh đó, ngay cả có các dự án đủ điều kiên pháp lý rồi, chủ đầu tư lại chưa muốn giải ngân ngay, vì họ cũng tính toán lợi ích trong kinh doanh nhà, vì phải chịu lãi vay từ thời điểm giải ngân. Thực tế, việc mua nhà hiện nay không quá sôi động, một số người cho rằng giá bán còn cao, do đó, người thu nhập thấp khi vay vốn thận trọng, khi vay mua nhà họ cũng phải có một phần tiền, tính toán đến trách nhiệm trả nợ…
Thời gian tới, lãnh đạo NHNN cho hay, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống…
“Ngành ngân hàng đáng triển khai các giải pháp đồng bộ, nhưng với cường độ cao hơn, quyết liệt phối hợp các bộ ngành, địa phương triển khai. Tôi tin tưởng trong quý 2, 3, cầu tín dụng cải thiện, tăng trưởng tín dụng cùng với các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ sẽ mang lại tác động cộng hưởng tạo điều cho nền kinh tế khởi sắc sôi động hơn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Nguồn: Báo chính phủ
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!