Uống nhiều rượu bia, ít vận động khi trời lạnh… khiến các bệnh cơ bản trở nên không ổn định, tăng xơ vữa động mạch, gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.
Theo thống kê mỗi năm, thế giới có 17,9 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tim mạch. Trong đó, 85% do nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Một công bố đăng trên tạp chí JAMA 2018 nghiên cứu trên 274.000 người Thụy Điển cho thấy, tỷ lệ nhồi máu cơ tim xảy ra nhiều nhất vào những ngày trời lạnh. Một nghiên cứu khác trên PLOS One năm 2015 cho biết, tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng 31% ở những tháng lạnh so với những tháng ấm hơn trong năm.
“Các bệnh lý huyết áp không ổn định, nhồi máu cơ tim và đột quỵ não có xu hướng tăng khi thời tiết lạnh”, ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết.
Khi nhiệt độ giảm xuống, các mạch máu co lại làm giảm lượng máu đến tim, có thể gây đau tim. Khi hoạt động thể chất, các mạch máu giãn ra để cung cấp nhiều máu hơn, nhưng thời tiết lạnh có thể làm co mạch và lưu lượng máu có thể bị gián đoạn. Thời tiết lạnh cũng khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm cho cơ thể, do đó nhịp tim và huyết áp có thể tăng lên. Vì vậy, những người bị bệnh mạch vành có xu hướng bị đau ngực hoặc khó chịu khi hoạt động trong mùa đông.
Bác sĩ Kiều nhận định, nhiều người dễ bị viêm phổi, viêm đường hô hấp vào mùa đông, làm nặng thêm bệnh tim mạch có sẵn. Khi cơ thể bị viêm nhiễm, huyết áp, đường huyết dao động, tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, ít vận động khi trời lạnh, uống nhiều rượu bia gây ảnh hưởng tới huyết áp, đường máu và tăng cholesterol máu. Điều này dẫn đến các bệnh cơ bản trở nên không ổn định, tăng xơ vữa động mạch, các mảng xơ vữa dễ bị nứt ra hoặc bong tróc gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.
Theo bác sĩ Kiều, đối tượng dễ gặp biến cố tim mạch trong mùa lạnh là người cao tuổi (trên 65 tuổi); người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính; người có tiền sử đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, đã phẫu thuật tim.
Người mắc bệnh tim mạch thường có các triệu chứng như huyết áp không ổn định khi theo dõi; đường huyết dao động nhiều; ho, khó thở, đau tức ngực. Ngoài ra, một số người lớn tuổi có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, thay đổi tri giác hay hôn mê.
Xem thêm >>> 6 THÓI QUEN TIẾT LỘ BẠN UỐNG NƯỚC KHÔNG ĐÚNG CÁCH
Bác sĩ cho biết, những dấu hiệu này thường bị bệnh nhân bỏ qua vì chủ quan, đến khi trở nặng mới thăm khám khiến quá trình điều trị khó khăn, không đạt hiệu quả cao, tốn kém nhiều chi phí. Do đó, người bệnh có những triệu chứng trên cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Để phòng tránh biến cố tim mạch, người bệnh nên giữ ấm cơ thể, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tiêm vaccine phòng cúm (mỗi năm từ tháng 9) và vaccine phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn. Khuyến cáo của Hội Tim mạch Mỹ và châu Âu cho biết, người có bệnh tim mạch cần tiêm ngừa cúm và phế cầu, giúp giảm biến cố, giảm nhập viện vì bệnh tim mạch và giảm tử vong do mọi nguyên nhân.
Người bệnh tim mạch cũng không nên ăn nhiều thực phẩm có chất béo, không ăn mặn, hạn chế ăn thịt đỏ, tránh uống rượu bia trong các dịp gặp gỡ bạn bè, tiệc tùng. Uống thuốc điều trị các bệnh tim nền đều đặn, theo dõi và tái khám đúng hẹn với bác sĩ. Đồng thời, duy trì chế độ tập luyện thể dục hàng ngày phù hợp.
(Vnexpress)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!